(Người Chăn Nuôi) – Dê là đối tượng dễ nuôi, ít bệnh tật, chuồng trại đơn giản nên mô hình này phù hợp với những hộ chăn nuôi ít vốn.
Đặc điểm
Dê là loài động vật nhai lại, chân có móng thuộc họ Bovidae. Chúng là loài gia súc cùng thời với cừu, được nuôi để lấy thịt dê, sữa và da. Đây là giống gia súc có khả năng sinh sản cao, cho nhiều thịt, mắn đẻ, và là một đối tượng chăn nuôi gia súc lấy sữa. Dê sinh sống ở khắp nơi, từ những vùng nóng như châu Phi đến những vùng lạnh như châu Âu, từ vùng đồng bằng cho đến vùng đồi núi.
Ngoài ra, dê còn được phân làm hai nhóm là dê hoang và dê nhà. Dê hoang (Capra aegagrus) hay dê núi, dê rừng sống thành bầy đàn và sống ở những môi trường như rừng, đồi núi… Dê nhà (Capra aegagrus hircus) cũng sống thành bầy đàn nhưng được con người chăn nuôi và sống ở chuồng hoặc chăn thả… Dê nhà nuôi để khai thác những giá trị kinh tế có từ dê.Dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, sinh sản nhanh, hai năm sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến ba con. Bên cạnh đặc tính dễ dãi trong ăn uống và thuận lợi trong dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thì dê còn là con vật dễ nhân đàn. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, thời điểm này con dê sẽ đạt trọng lượng khoảng 30 – 35 kg/con. Trung bình một năm dê cái sinh 2 lứa, mỗi lứa, dê mẹ thường đẻ 4 – 6 con nên đàn dê cũng vì thế mà tăng số lượng nhanh chóng.
Lịch sử phát triển
Ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ, các giống khác nhau của dê được nuôi để lấy sữa và sản xuất thịt. Đối với nông dân sản xuất nhỏ ở nhiều quốc gia dê là vật nuôi quan trọng. Ở Ấn Độ, Nepal, và phần lớn châu Á, dê được nuôi chủ yếu để sản xuất sữa, cả trong các hệ thống thương mại và hộ gia đình. Ở châu Phi và Trung Đông, dê thường được chạy rông trong đàn cừu. Điều này tối đa hóa sản xuất cho mỗi mẫu Anh, dê và cừu thích cây lương thực khác nhau. Nhiều loại dê nuôi được tìm thấy ở Ethiopia.
Đàn dê gia tăng nhanh từ năm 1992 đến năm 2000, nhưng sau đó lại giảm, chủ yếu ở các nước đang phát triển, đàn dê có gia tăng nhưng chưa đều, có thời gian bị giảm. Năm 2001, trên thế giới số lượng dê chỉ bằng 65,5% số lượng cừu. Thịt dê có ít mỡ hơn thịt bò và cừu và mỡ phân phối đều khắp quây thịt. Thêm vào đó mỡ dê có ít acid béo bão hòa và cholesterol hơn mỡ bò và mỡ cừu. Sữa dê có giá trị dinh dưỡng tương tự như sữa bò nhưng có tỷ lệ các hạt chất béo nhỏ cao hơn sữa bò nên dễ tiêu hóa hơn. Thêm vào đó sữa dê có chứa một số chất chống dị ứng nên có thể sử dụng cho các tạng người dễ bị dị ứng với sữa bò.
Hiệu quả kinh tế
Dê là con vật dễ nuôi, chuồng trại đơn giản nên mô hình này phù hợp với những hộ ít vốn. Chúng ít bị ốm, sức đề kháng cao, chăn thả tự kiếm cỏ ngoài đồng không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém như nuôi vịt. Tuy vậy, dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị bệnh, nên khi nuôi các gia đình cũng cần phải thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn.
Nuôi dê chỉ đầu tư về con giống, còn nguồn thức ăn đã có sẵn trong tự nhiên, chỉ cần bỏ công sức và thời gian để cắt lá cây, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như rau muống, cỏ dại. Chúng lại chịu khó leo trèo, tìm kiếm thức ăn ở những nơi có địa hình heo hút, hiểm trở. Bên cạnh đó, do dê là loại vật có đặc tính ưa sạch sẽ nên những thức ăn đã bị dẫm đạp lên là chúng không ăn. Thức ăn cho dê phải khô ráo, không hôi, mốc, sạch không lẫn đất cát; phải để nước sạch trong chuồng để dê uống khi khát.
Dê ăn thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên như cây keo, dâm bụt, lá mít. Thức ăn cho dê rất đa dạng gồm các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây như so đũa, mít, chuối, sầu đâu, keo dậu, dâm bụt, phế phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô, ngọn mía, dây đậu, các loại củ quả như khoai lang, bí đỏ, chuối, thức ăn tinh, thức ăn khoáng. Thức ăn thô xanh thường chiếm khoảng 55 – 70% khẩu phần ăn của dê. Bên cạnh đó còn có các loại lá gòn, mít, cỏ, rau lan.
Hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước như: Ninh Bình, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Kon Tum… đã phát triển đàn dê nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trang trại dê sữa Măng Đen tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thuộc sở hữu của Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen. Trang trại có hơn 8.000 con dê sữa, diện tích rộng 200 ha. Tổng cộng có 12 chuồng nuôi được xây cao cách mặt đất khoảng 1,5 m, sàn bằng thanh gỗ có khe hở, mái cao, thoáng trên diện tích khoảng 22.000 m2. Quản lý trại dê sữa, ông Hoàng Minh Thành cho biết: Các chuồng đều được đánh số và phân loại để nuôi dê có độ tuổi, giống dê khác nhau để tiện chăm sóc, cho ăn. Ngoài ra, hơn 100 ha cỏ đã được trồng để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê quy mô lớn này. Theo ông Thành, trang trại được khởi công xây dựng từ năm 2014, nhưng phải đến năm 2016 thì mới đưa được gần 1.000 con giống dê cao sản từ Pháp và Australia về nuôi. Dê giống từ các nước này phải đưa bằng máy bay vận tải chở về trong nước, sau đó tiếp tục vận chuyển bằng xe tải lên nơi này nuôi dưỡng.
>> Dê được nuôi theo 3 hình thức: chăn dắt (quảng canh), cột buộc ở khu vực quanh nhà, đồi gò hoặc nuôi nhốt kết hợp với chăn thả (bán thâm canh) và nuôi nhốt cố định tại chuồng (thâm canh). Trong đó, phương thức chăn nuôi bán thâm canh phổ biến và phù hợp nhất trong điều kiện chăn nuôi ở nước ta, được áp dụng để nuôi dê kiêm dụng sữa, thịt. |