(Người Chăn Nuôi) – Có nhiều yếu tố gây stress cho heo con sau cai sữa như thay đổi môi trường và thức ăn đột ngột; ghép đàn và vận chuyển làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả bổ sung chế phẩm sinh học cho heo trong giai đoạn này nhằm làm giảm tác động của quá trình sau cai sữa đến đường ruột heo bao gồm prebiotic, probiotic, nấm men, các acid hữu cơ,… Trong đó, việc bổ sung men vi sinh (probiotic) cho heo đã được chứng minh là giải pháp giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhờ vậy, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, cải thiện hình thái ruột và hệ miễn dịch đường ruột của heo (Weifa Su và cộng sự, 2022).
Tại sao heo con cần bổ sung men vi sinh
Quá trình thay đổi môi trường sống, thức ăn đột ngột, stress vận chuyển, ghép đàn,… dẫn đến giảm lượng thức ăn tiêu thụ trên heo con sau cai sữa. Từ đó, gây ra những thay đổi lớn trong đường tiêu hóa của heo như teo nhung mao, tăng sinh tế bào ruột chưa trưởng thành,… làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng và mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Trong khi đó, việc bổ sung men vi sinh lại mang nhiều lợi ích như cải thiện tăng trọng bình quân hàng ngày (Abe và cộng sự, 1995); tăng khả năng tiêu hóa thức ăn (Zani và cộng sự, 1998); giảm tiêu chảy sau cai sữa (Kyriakis và cộng sự, 1999; Modesto và cộng sự, 2007); bảo vệ heo con khỏi các tác nhân gây bệnh như Salmonella spp., E. coli (Lodemann và cộng sự, 2006).
Hình 1. Cân lượng men vi sinh phù hợp để bổ sung cho heo con
-
Cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Các nghiên cứu đã cho thấy quá trình cai sữa làm giảm số lượng vi khuẩn Lactobacillus spp. Ngược lại, tăng số lượng vi khuẩn Clostridium spp., Prevotella spp., Proteobacteriaceae và E. coli (Konstantinov và cộng sự, 2006). Đồng thời, heo con cai sữa sớm dễ bị nhiễm E. coli enterotoxigenic (ETEC) (Gresse và cộng sự, 2017). Trong khi đó, men vi sinh bao gồm chủ yếu các vi sinh vật có lợi ích như Lactobacillus spp., Bifidobacterium spp., Enterococcus spp., Bacillus spp. và nấm men thuộc chi Saccharomyces được sử dụng nhằm cải thiện sức khỏe đường ruột (Liao và Nyachoti, 2017). Những vi sinh vật có lợi này ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn có hại bằng cách: chiếm vị trí gắn và không gian sống, cạnh tranh dinh dưỡng, điều chỉnh sự bài tiết chất nhầy nhằm cải thiện chức năng đường ruột và phát triển hệ thống miễn dịch đường ruột (Buffie và Pamer, 2013; Kamada và cộng sự, 2013). Ngoài ra, chúng còn tiết ra các acid hữu cơ tạo môi trường đường ruột có pH dưới 6,5. Trong khi đó, môi trường thuận lợi để các vi khuẩn có hại như Salmonella spp., E. coli nhân lên và phát triển nằm trong khoảng pH từ 6,5 – 9. Vì vậy, sử dụng men vi sinh còn có tác dụng kìm hãm sự phát triển các vi khuẩn có hại, từ đó giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh trên đường tiêu hóa.
Hình 2. Pha men vi sinh vào thùng núm uống phụ cho heo con
-
Hỗ trợ quá trình tiêu hóa
Độ pH dạ dày tối ưu để hoạt hóa pepsinogen thành pepsin – enzyme tiêu hóa protein là khoảng 2 – 3,5. Tuy nhiên, pH dạ dày của heo con ở giai đoạn sau cai sữa nằm trong khoảng 3,1 – 4,4. Với khoảng pH này sẽ ảnh hưởng đến việc hoạt hóa các enzyme tiêu hóa protein như pepsin, trypsin,… của heo con sau cai sữa. Bên cạnh đó, thức ăn cho heo con sau cai sữa có hàm lượng protein cao. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, các enzyme tiêu hóa của heo con như pepsin, trypsin, chymotrypsin và amylase giảm hoạt động trong vòng 1 tuần sau khi cai sữa (Jensen và cộng sự, 1997). Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa các chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, dẫn đến tăng các gốc NH4 trong đường ruột. Điều này làm tăng pH và tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có hại tăng sinh và gây bệnh trên đường tiêu hóa. Trong khi đó, vi khuẩn có lợi có trong men vi sinh có thể tạo ra môi trường acid cho đường ruột, vì vậy hỗ trợ quá trình hoạt hóa các enzyme tiêu hóa protein trong thức ăn.
Hình 3. Heo con uống men vi sinh từ thùng núm uống phụ
-
Cải thiện hình thái và hệ miễn dịch đường ruột
Quá trình thay đổi thức ăn đột ngột của heo con từ sữa sang thức ăn dạng viên ảnh hưởng đến cấu trúc trong đường ruột bao gồm phá hủy các liên kết hình chữ X (kiểu liên kết giữa 2 tế bào ruột nhằm không cho các phân tử thấm qua), giảm sản xuất chất nhầy và tăng tính thấm đường ruột (Le Dividich và Seve, 2000; Hu và cộng sự, 2013; Wang và cộng sự, 2016a). Do đó, heo con sau cai sữa dễ bị tiêu chảy và nhiễm các bệnh trên đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bổ sung men vi sinh có thể hỗ trợ tăng sinh và biệt hóa của các tế bào miễn dịch đường ruột, ức chế các cytokine tiền viêm và thúc đẩy tiết các cytokine chống viêm. Cụ thể, Lactobacillus plantarum tiết acid lipoteichoic để điều chỉnh quá trình giải phóng cytokine Th1 và T (Van Baarlen và cộng sự, 2011); Lactobacillus rhamnosus kích thích tăng sinh tế bào lympho T và tăng số lượng tế bào lympho TCD3+; TCD4+ trong đường ruột của heo con cai sữa sớm (Shonyela và cộng sự, 2020). Ngoài ra, men vi sinh cũng đóng vai trò kích thích kháng thể trong ruột, đặc biệt là lgA tiết tại niêm mạc ruột nhằm ức chế sự bám dính của mầm bệnh (Zhu và cộng sự, 2017a).
Hình 4. Chế phẩm sinh học LS-BIOLAC, bổ sung vi sinh có lợi cho đường ruột và hệ tiêu hóa của heo con
Những lưu ý khi sử dụng men vi sinh Để đảm bảo hiệu quả sử dụng men vi sinh, người chăn nuôi cần xử lý nước bằng chlorine với liều 5ppm trước 12 giờ pha men vi sinh. Việc này đảm bảo nguồn nước sử dụng cho heo uống không bị vấy nhiễm mầm bệnh, vừa đảm bảo chlorine không tiêu diệt các vi khuẩn có lợi có trong men vi sinh. Đặc biệt, người chăn nuôi lưu ý khi sử dụng men vi sinh cho heo trong thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh, cần lựa chọn thời gian cung cấp men vi sinh phù hợp với thời gian bài thải của thuốc kháng sinh để tránh tương tác giữa kháng sinh và men vi sinh làm tiêu diệt vi khuẩn có lợi có trong men vi sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.
Nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng men vi sinh cho heo con sau cai sữa, đội ngũ bác sĩ – kỹ sư thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm trong 7 ngày trên 2 lô: có bổ sung men vi sinh và không bổ sung men vi sinh. Thành phần men vi sinh được bổ sung trong thử nghiệm là chủng vi khuẩn Bacillus spp. 107 CFU/g. Mỗi lô có 10 heo con cai sữa 4 tuần tuổi nhập về trại thịt với thể trạng gầy, tiêu chảy, kém ăn, bụng lớn kiểm tra thấy chứa nhiều khí, tất cả heo đều có phác đồ điều trị giống nhau. Heo ở lô có bổ sung men vi sinh được bổ sung men vi sinh với liều 1g/lít nước, liệu trình 1 lần/ngày trong 7 ngày liên tục. Các chỉ tiêu theo dõi của thử nghiệm bao gồm số lượng vi khuẩn E. coli có trong mẫu phân, chiều dài vòng bụng, tăng trọng. Kết quả chi tiết được trình bày trong bảng sau.
Từ bảng trên cho thấy, lô bổ sung men vi sinh có số lượng vi khuẩn E. Coli trong mẫu phân thấp hơn so với lô không bổ sung men vi sinh với sự khác biệt rất rất có ý nghĩa (p<0,001). Đối với chiều dài vòng bụng của heo sau 7 ngày thử nghiệm có sự khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) giữa 2 lô. Cụ thể, lô có bổ sung men giảm 4,78cm nhiều hơn 2,59cm so với lô không bổ sung men vi sinh. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn Bacillus spp. tiết ra acid hữu cơ làm giảm pH đường ruột từ đó ức chế sự phát triển của vi khuẩn kỵ khí sinh hơi có hại trong đường ruột, trong đó có Clostridium spp. Do đó, heo sẽ không bị đầy hơi, chướng bụng. Ngoài ra, kết quả thử nghiệm còn cho thấy, tăng trọng sau 7 ngày giữa 2 lô cũng có sự khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) với lô có bổ sung men vi sinh là 5,39 kg và lô không bổ sung là 5,1 kg. Như vậy, bổ sung men vi sinh cho heo con sau cai sữa có nhiều lợi ích như cải thiện cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và cải thiện hình thái, miễn dịch đường ruột. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần lưu ý trước khi bổ sung men vi sinh cần xử lý nước bằng chlorine 5ppm trước 12 giờ và không bổ sung men vi sinh cùng thời điểm với thuốc kháng sinh để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tài liệu tham khảo: Su W., Gong T., Jiang Z., Lu Z. & Wang Y., 2022. The Role of Probiotics in Alleviating Postweaning Diarrhea in Piglets From the Perspective of Intestinal Barriers. Frontiers in cellular and infection microbiology, 12, 883107. https://doi.org/10.3389/fcimb.2022.883107.
BSTY. Tạ Văn Quang