Đa dạng mô hình phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã hỗ trợ hộ gia đình ông Vũ Văn Tam xây dựng mô hình chăn nuôi dúi sinh sản (thôn Bình Hòa, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) – được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lão nông Vũ Văn Tam – người đầu tiên thực hiện mô hình chăn nuôi dúi thành công trên địa bàn xã Đạ Pal, với mái tóc hoa râm, tay cho dúi ăn và hào hứng giới thiệu với chúng tôi về cơ duyên đến với mô hình chăn nuôi dúi sinh sản của gia đình. Ông Tam kể, ba năm về trước, lần đầu tiên vợ, chồng ông được nhìn thấy con dúi. Các người con của ông đã tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông về mô hình này với mong muốn bố mẹ có thể làm công việc nhàn hơn làm nông và trồng trọt vất vả như xưa. Bằng sự tích cực, cố gắng học hỏi, đến nay đàn dúi của gia đình đã phát triển lên đến hơn 100 con dúi các loại.
Mô hình chăn nuôi dúi sinh sản của ông Vũ Văn Tam cho thu nhập ổn định
“Sau khi gia đình chúng tôi đề xuất ý kiến thực hiện mô hình chăn nuôi dúi sinh sản lên Hội Nông dân xã Đạ Pal thì đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm nhiệt tình của Hội. Với dự định nuôi thử nghiệm 10 con dúi mốc nhỏ để nhân giống, kinh phí thực hiện ban đầu là 20 triệu đồng, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng để mua con giống và thường xuyên cử cán bộ khuyến nông xuống tận nhà để hướng dẫn kỹ thuật cho gia đình thực hiện mô hình”, ông Tam chia sẻ.
Theo ông Vũ Văn Tam, nhu cầu tiêu thụ dúi bây giờ khá cao do chất lượng thịt của loài động vật này rất ngon và là một trong những đặc sản của núi rừng. Loài gặm nhấm này còn rất dễ nuôi, ít công chăm sóc và sinh trưởng mạnh nếu người nuôi biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật. Thời gian đầu, ông Tam cũng gặp không ít gian nan do chưa có kinh nghiệm khiến đàn dúi bị mắc bệnh nấm da. Qua thời gian tiếp tục mày mò, khắc phục mà đàn dúi giờ đây đã thích nghi với môi trường hiện tại. Theo ông Tam, sau khi đã chọn được con giống khỏe mạnh rồi, thì việc thiết kế chuồng trại sao cho hợp lý là điều kiện ưu tiên đầu tiên. Cụ thể, không gian phải thoáng đãng, yên tĩnh và hạn chế tối đa ánh sáng trực tiếp chiếu vào, do dúi là loài động vật hoạt động về đêm. Chính vì vậy, trên diện tích 100 m2 của gia đình, ông Tam sử dụng các tấm gạch men ghép lại vào nhau thành từng ô nhỏ hình vuông, cạnh 60 x 60 cm xây nên 70 cái chuồng cỡ nhỏ được xếp san sát nhau. Việc làm chuồng trại bằng cách ghép gạch men sẽ giúp cho không gian phát triển của dúi giữ được sự khô ráo, sạch sẽ và kiên cố, tránh cho các loài động vật gây hại cho dúi như chuột, rắn bò vào.
“Nguồn thức ăn chủ yếu của đàn dúi là cây tre và cây mía sẵn có tại vườn nhà nên không tốn kém nhiều chi phí, còn đảm bảo được nguồn thức ăn an toàn. Đàn dúi nuôi khoảng 7 – 8 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi năm sinh 3 lứa, từ 3 – 5 con, con con sau sinh 1,5 – 2 tháng đã có thể tách mẹ, tầm 3 tháng sau đã có thể bán giống. Từ năm 2022, gia đình chủ yếu vẫn còn đang nhân giống bán theo cặp có trọng lượng 1 kg trở lên/cặp với giá 3,5 – 4 triệu đồng. Trung bình một tháng bán được 4 – 5 cặp giống cho bà con trên địa bàn huyện có nhu cầu. Với tốc độ sinh trưởng mạnh của đàn dúi như hiện tại thì thời gian tới, gia đình dự định sẽ bán thịt cho các thương lái, nhà hàng”, ông Tam nói.
Theo ông Vũ Đức Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Pal, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các hội viên; trong đó, nổi bật là mô hình chăn nuôi dúi sinh sản của hộ gia đình ông Vũ Văn Tam đang có nhiều tín hiệu khả quan, tạo được ấn tượng tích cực đối với nhà nông khác trên địa bàn bằng việc phát triển kinh tế gia đình theo hướng đi mới. Xét thấy đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân xã sẽ chủ động duy trì và nhân rộng đến bà con Nhân dân trong thời gian tới.
Hương Ly
Nguồn: Báo Lâm Đồng