Trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực khuyến khích, tạo điều kiện về đất đai để các hộ dân phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công nhằm hạn chế rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững và thu nhập ổn định.
Năm 2019, gia đình ông Lê Đình Khánh, thôn Bùi Hạ I, xã Yên Phú (Yên Định) đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng 3 chuồng trại chăn nuôi gà, lắp đặt hệ thống máng ăn, nước uống tự động, hệ thống sưởi ấm cho gà…, với tổng diện tích gần 2.400 m2. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, ông Khánh đã thực hiện liên kết chăn nuôi theo hình thức gia công, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, quy mô hơn 12.000 con gà/lứa. Ông Khánh cho biết: Tham gia liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công, các hộ được doanh nghiệp cung ứng con giống, nguồn thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật cho chủ trang trại chăn nuôi theo quy chuẩn. Sau thời gian nuôi từ 45 đến 120 ngày (tùy theo giống gà), công ty sẽ thu mua gà thành phẩm và trừ tiền cung ứng trước, còn lại thanh toán cho người chăn nuôi. Bình quân mỗi năm gia đình ông chăn nuôi từ 3 đến 5 lứa, doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi gà gia công của gia đình ông Lê Đình Khánh, xã Yên Phú (Yên Định) cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay trên địa bàn huyện Yên Định có 55 trang trại chăn nuôi gà theo hình thức gia công cho các Công ty C.P Việt Nam và Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, các trang trại có quy mô từ 5.000 đến 10.000 con/lứa. Do quản lý được chất lượng nguồn thức ăn, con giống ngay từ đầu, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên con nuôi ít dịch bệnh. Các mô hình này đã hạn chế được ô nhiễm môi trường và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhìn chung các trang trại chăn nuôi gà theo hình thức liên kết đảm bảo thu nhập ổn định trong thời điểm giá cả thị trường có nhiều biến động do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều trang trại chăn nuôi gà theo hình thức gia công trên địa bàn huyện có lợi nhuận từ 300 – 500 triệu đồng/năm. Vì vậy, việc phát triển các trang trại chăn nuôi gà theo hình thức liên kết đang được nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, thị trấn trên địa bàn quan tâm đầu tư. Để nhân rộng các mô hình liên kết chăn nuôi gà, huyện Yên Định hiện đang tiếp tục tạo điều kiện về đất đai, xây dựng đường giao thông, điện và hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng trang trại tập trung quy mô lớn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Triệu Sơn, Ngọc Lặc… với Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty Chăn nuôi Thọ Xuân, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Phúc Vinh, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty C.P Việt Nam… Hiện các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích người chăn nuôi phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh 4A để cung ứng sản phẩm cho các nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm, hướng tới xuất khẩu sản phẩm thịt gà chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp (sở hữu công nghệ, vốn, kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm). Du nhập, sản xuất các giống gà có chất lượng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tốt vào trong chăn nuôi; ưu tiên chính sách cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chăn nuôi gia cầm.
Bài và ảnh: Hải Đăng
Nguồn: Báo Thanh Hóa