Những năm gần đây, nghề chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Để chăn nuôi bò sữa ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa thực hiện quy trình chăn nuôi theo xu hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Chăn nuôi khép kín, liên kết bao tiêu
Nhiều năm qua, bò sữa không chỉ là vật nuôi xóa đói, giảm nghèo nhanh của nông dân xã Thái Hòa mà còn mang tính cộng đồng cao, có khả năng phát triển lâu dài, giúp người dân tận dụng diện tích đất đồi bãi của địa phương để trồng cỏ nuôi bò.
HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa được thành lập từ năm 2001 giúp các hội viên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc và phát triển đàn bò, tập trung làm ăn tập thể, liên kết sản xuất.
Từ 7 hộ dân ban đầu tham gia nuôi thử nghiệm và áp dụng mô hình chăn nuôi theo dự án Việt – Bỉ, dần dần, số thành viên gia nhập HTX lên đến 42 hộ dân với tổng đàn hơn 430 con bò sữa, trong đó hơn 250 con đang cho khai thác, hàng tháng cung cấp cho thị trường khoảng 90 tấn sữa.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa xã Thái Hòa Hà Minh Luân cho biết: “Trước đây, khi mới bắt đầu chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ dân không nắm được quy trình chăn nuôi nên tình trạng thua lỗ xảy ra rất nhiều.
Nuôi bò sữa khác với nuôi bò nhà, không thể thả rông mà phải nuôi bò đúng theo quy trình kỹ thuật thì bò mới cho sữa chất lượng. Tuy bò sữa rất ít mắc bệnh nhưng phải tuân thủ những yêu cầu rất nghiêm ngặt, tỉ mỉ trong vấn đề vệ sinh, khử trùng từ nơi ở, thức ăn, thức uống.
Khi thu hoạch sữa phải bảo đảm sữa bò không bị vi khuẩn xâm nhập, không có chất kháng sinh cũng không hề đơn giản, nhất là khi chăn nuôi theo quy mô lớn.
Nuôi bò sữa theo mô hình khép kín giúp các xã viên kiểm soát được chất lượng sữa, đảm bảo sản phẩm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đơn vị thu mua sữa.
Nhờ chăn nuôi theo quy trình khép kín đã tạo điều kiện để các thành viên trong HTX đều yên tâm chăn nuôi bò sữa bởi chất lượng sản phẩm ngày càng được đảm bảo, đầu ra giá sữa ổn định, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên”.
Thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín, ngoài việc lựa chọn kỹ lưỡng những con bò giống ban đầu, nguồn thức ăn sạch giữ vai trò quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đàn bò.
Do đó, ở xã Thái Hòa, phần lớn diện tích đất của các xã viên trong HTX được sử dụng vào mục đích trồng cỏ voi, cỏ Úc… tạo nguồn cung cấp thức ăn xanh hàng ngày để chủ động nguồn thức ăn cho bò, ngay cả vào những tháng mùa đông khan hiếm.
Bên cạnh đó, chuồng nuôi bò được thiết kế bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và luôn được vệ sinh sạch sẽ. HTX cũng bảo đảm vệ sinh chuồng trại hàng ngày, công tác phòng bệnh cho bò được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.
Đối với đầu ra của sản phẩm, HTX có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đối tác là Công ty Cổ phần sữa Hà Lan, tạo thành chuỗi sản xuất ổn định từ đầu vào cho tới đầu ra và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa bò tươi của xã viên với giá bình quân từ 12.500 đến 13.000 đồng/lít. Bình quân mỗi năm, HTX xuất trên 1.200 tấn sữa; thu nhập trung bình của thành viên HTX là 20 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
Ngoài ra, các thành viên của HTX thường xuyên được công ty đối tác hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa hiệu quả cao nhất; được hỗ trợ 50% giá trị khi mua máy vắt sữa bò, được hỗ trợ phí bảo hiểm vật nuôi, cấp thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hỗ trợ tinh bò làm con giống.
Nhờ thực hiện nuôi bò sữa theo mô hình khép kín, HTX không mất công chăn thả, quản lý được đàn vật nuôi và kiểm tra được sự tăng trọng của bò qua từng ngày, từng tháng. Với số lượng từ 60-70 thành viên tham gia sản xuất trực tiếp, HTX luôn bảo đảm được chất lượng bò và sữa khi thu hoạch.
Giải pháp phát triển bền vững
Nhờ nuôi bò sữa mà nhiều xã viên của HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc nuôi và phát triển bò sữa ở xã Thái Hòa vẫn còn những khó khăn cần sớm được tháo gỡ.
Hiện nay, hệ thống các rãnh tiêu thoát nước, công trình thu gom xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường còn thiếu do công tác quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung còn nhiều vướng mắc.
Các hộ xã viên chăn nuôi bò sữa tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển bò sữa còn khó khăn, phí tham gia bảo hiểm tuy được hỗ trợ nhưng vẫn còn cao; một số hộ phát triển mới còn thiếu kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc thú y; giá sữa được thu mua theo chất lượng cho nên thường xuyên biến động.
Để mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, ông Hà Minh Luân và các xã viên HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa mong muốn ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi, bảo đảm môi trường trong chăn nuôi; mở các lớp tập huấn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, hỗ trợ nông dân vay vốn mua con giống, các trang thiết bị phục vụ mô hình chăn nuôi tiên tiến như máy vắt sữa, máy băm cỏ, hệ thống phun sương…
Cùng với đó, HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa cũng phối hợp với chính quyền xã và Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều dự án sử dụng phế phẩm chăn nuôi, giúp nông dân tăng thêm thu nhập và tạo ra mô hình chăn nuôi khép kín, bền vững; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến, kiểm soát dịch bệnh; quản lý, đánh giá di truyền giống bò sữa theo phương pháp hiện đại.
Bài, ảnh: Thảo My
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc