Hậu Giang: Phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững

Tỉnh Hậu Giang nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, được biết đến với tiềm năng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Qua nhiều năm, việc phát triển chăn nuôi bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh, mang lại cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhập lậu

Hiện nay, tỉnh ta đang tăng cường ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Để giúp người chăn nuôi ổn định phát triển sản xuất, nhất là với chăn nuôi gia súc, thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, thực hiện tốt một số giải pháp cấp bách cũng như lâu dài nhằm ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, trái phép vào địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã có văn bản phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm, tác hại của việc nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (dịch tả heo châu Phi), mất an toàn thực phẩm; vận động người dân không tham gia, tiêu thụ và tiếp tay cho việc nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam; phối hợp chính quyền địa phương và các ngành chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhằm thực hiện đồng bộ, kịp thời để tháo gỡ những khó khăn của ngành chăn nuôi, cũng như giữ an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn, chị Lý Thị Thảo, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản huyện Châu Thành, cho biết: Trạm thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc vận chuyển gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, còn thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý, giữ mối liên hệ tốt với các tỉnh bạn nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật giữa các nơi, đảm bảo giữ an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn được phát triển tốt nhất.

Quan tâm bảo vệ, phát triển đàn

Anh Trần Hoàng Phủ, ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, cho rằng để đạt được hiệu quả trong chăn nuôi, chúng ta cần phải chú trọng vào nhiều yếu tố. Vì sức khỏe của vật nuôi là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu đối với các hộ làm nghề chăn nuôi. Chăm sóc, đảm bảo đàn vật nuôi được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều kiện sống tốt nhất không chỉ giúp tăng năng suất, mà còn giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần ưu tiên bảo vệ môi trường, áp dụng các phương pháp chăn nuôi bền vững, tránh sử dụng hóa chất độc hại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải một cách hợp lý là cần thiết để chăn nuôi đạt hiệu quả.

2

Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng để đảm bảo môi trường sống an toàn cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh đó, anh Phủ cho biết tiết kiệm tài nguyên là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững của ngành chăn nuôi. “Chúng ta cần phải sử dụng hợp lý nước và thức ăn, tối ưu hóa quy trình sản xuất và tránh lãng phí. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường”, anh Phủ chia sẻ thêm.

Chị Bùi Thị Thoa, ở ấp Phú Hòa, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Trong quá trình phát triển đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi, tôi không chỉ tập trung vào tăng sản lượng, mà còn chú trọng vào sự an toàn và phát triển bền vững. Nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của cán bộ thú y địa phương, tôi đã chăm sóc và nuôi 4.000 con gà một cách hiệu quả hơn, vì tôi đặt sức khỏe của đàn gà lên hàng đầu, tôi cũng thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh tật và chăm sóc định kỳ”.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, phát triển chăn nuôi bền vững đòi hỏi sự chuyển đổi trong cách thức quản lý và sản xuất. Để chăn nuôi hiệu quả bền vững, việc áp dụng các chương trình khuyến nông, chăn nuôi theo chuỗi khép kín và kinh tế tuần hoàn, đảm bảo người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật sản xuất an toàn và hiệu quả là điều cần thiết. Việc chuyển giao quy trình và công nghệ chăn nuôi cho nông hộ và trang trại cũng là một phần quan trọng của quá trình này, giúp họ phù hợp với từng loại vật nuôi cụ thể. Đồng thời, việc đa dạng hóa các chương trình truyền thông cũng góp phần thay đổi nhận thức và thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý và thống kê đàn vật nuôi một cách hiệu quả cũng là yếu tố then chốt để theo dõi sự phát triển và đánh giá chất lượng giống vật nuôi, hỗ trợ việc ra quyết định chính sách và đầu tư một cách thông minh và bền vững.

Bài, ảnh: Mai Thanh

Nguồn: Báo Hậu Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *