Chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm Tết Nguyên đán, đây là lúc nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh tái đàn để đón đầu thị trường ngày tết. Hiện người dân đang tích cực chuẩn bị các công tác như chọn con giống, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu tái đàn.
Tất bật chăn nuôi đón tết
Thời điểm cuối năm là lúc nhu cầu thực phẩm của thị trường tăng mạnh. Nhận thấy điều này nên các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tăng đàn, vào vụ chăn nuôi tết. Khoảng tầm tháng 9, tháng 10 âm lịch là các hộ bắt đầu vào chăn nuôi vụ tết. Theo anh Trần Văn Năng, ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, heo con bắt về nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con trên dưới 100kg.
Cũng theo anh Năng, giá bán heo hơi hiện tại chỉ còn khoảng 56.000 đồng/kg, thấp hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng. Anh Năng chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi nuôi khoảng 200 con, cả heo bán thịt lẫn heo giống, so với năm trước thì năm nay số lượng tái đàn cho mùa tết sẽ ít hơn, vì lo lắng lợi nhuận thấp do giá bán đang giảm”.
Trước đó, do thiếu nguồn cung nên thị trường heo hơi “nóng” lên nhanh chóng, có lúc cán mốc gần 100.000 đồng/kg. Có thể thấy, sức hút hiện tại là rất cao. Tuy vậy, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, nguồn cung hiện tại vẫn đang được duy trì ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu tái đàn đón tết.
Bên cạnh chăn nuôi heo, người dân còn tất bật chuẩn bị tái đàn chăn nuôi gia cầm để lấy trứng và lấy thịt. Trải qua công tác lựa chọn giống, người dân đã chọn thời điểm thích hợp này vì phù hợp với nhu cầu thị trường. Chị Lý Thị Xuyên, ở ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Như thông lệ, gia đình vẫn chuẩn bị liên tục và đầy đủ nguồn cung trứng gia cầm vào những tháng cuối năm, bởi mặt hàng này thường hút hàng sớm do nhu cầu làm nguyên liệu chế biến các loại bánh phục vụ tết”.
Ngoài trứng gia cầm, các loại thịt gia cầm là mặt hàng thực phẩm có sức tiêu thụ cao vào dịp Tết Nguyên đán. Nắm bắt nhu cầu này, chị Lê Thị Mỹ Hương, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cũng chủ động gây nuôi đàn vịt gần 100 con để bán thịt. Chị Hương cho biết, những tháng cuối năm, việc nuôi vịt sẽ gặp nhiều rủi ro do ảnh hưởng thời tiết giao mùa. Do vậy, chị đã sớm làm kín chuồng trại để bảo vệ đàn tránh thất thoát trong lúc này.
Tiểu thương Lê Thị Hường, bán thịt heo ở chợ Vị Thanh, cho biết: “Để chuẩn bị nguồn cung cho đợt tết, tôi sớm tìm mua và đặt cọc heo hơi, sau đó bán dần, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở các quầy kệ, nhất là thời điểm từ 27 – 30 tết. Năm nay, thấy nguồn cung heo hơi khá dồi dào, giá bán heo thịt tính đến thời điểm này cũng phù hợp túi tiền người tiêu dùng”.
Chủ động phòng bệnh
Do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, dịch bệnh dễ phát sinh nên người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi chuẩn bị cho thị trường tết. Trong khi giá heo hơi lúc này có xu hướng giảm nên người dân trong tỉnh cũng không tránh khỏi lo lắng lợi nhuận sẽ giảm so với trước đây.
Điểm thuận lợi cho ngành chăn nuôi chính là các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi,… đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Đến thời điểm này, nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được nhiều người áp dụng vì đem lại hiệu quả cao, giúp cho chăn nuôi của bà con nông dân và công tác quản lý của các cán bộ thú y trong tỉnh trở nên dễ dàng hơn.
Anh Nguyễn Văn Út Em, ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 40 con gà trong vườn nhà. Buổi sáng tôi sẽ thả tự do, đến chiều thì lùa vào. Trong lúc chăn nuôi, tôi được các cán bộ kỹ thuật nhiều lần hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu của bản thân mà hiện tại đàn gà đang phát triển rất tốt. Mỗi đợt nuôi gà, tôi đều thực hiện tiêu độc sát trùng định kỳ, tiêm phòng cúm, sử dụng đệm lót sinh học để đàn gà khỏe mạnh và đạt năng suất cao hơn”.
Tuy nhiên, người chăn nuôi còn đang gặp phải một số vấn đề khó khăn như giá thức ăn vẫn còn ở mức cao làm cho chi phí đầu tư nhiều hơn, dẫn đến lợi nhuận của người dân giảm. Đồng thời, đa số người dân chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tiêu thụ cho mối lái khiến vấn đề đầu ra còn bấp bênh, chưa được đảm bảo, người dân chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nội địa và các tỉnh lân cận.
Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, cho biết: Tình hình chăn nuôi những tháng cuối năm của bà con nông dân trong tỉnh đang bắt đầu sôi động, dự đoán giá cả các loại gia súc gia cầm sẽ giữ mức ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ vào những ngày cận tết. Hiện tại, tổng đàn gia súc đã khôi phục được 145.000 con, đạt trên 90% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, trong khi gia cầm có xu hướng tăng do người dân chuyển đổi mô hình vật nuôi phù hợp và có lợi nhuận cao hơn. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong tỉnh ổn định và được kiểm soát chặt chẽ, sắp tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăn nuôi cho người dân, tăng cường hỗ trợ để giúp người chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thu lợi nhuận nhiều hơn nâng cao đời sống.
Bài, ảnh: Mai Thanh
Nguồn: Báo Hậu Giang