Hậu Giang: Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm… Tuy nhiên, nhờ có những biện pháp quản lý và ứng phó kịp thời của các cấp chính quyền và người dân, ngành chăn nuôi đã vượt qua những khó khăn, duy trì sự ổn định và tăng trưởng.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi của tỉnh được duy trì tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá heo hơi có chiều hướng tăng. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt so với cùng kỳ. Đa phần các đối tượng vật nuôi đều tăng trưởng và phát triển tốt, đây là cơ hội để các hộ chăn nuôi tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

Đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì tương đối ổn định, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện có 367 trang trại chăn nuôi heo, 353 trang trại chăn nuôi gia cầm. Anh Trần Văn Năng, ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi nuôi khoảng 200 con, cả heo bán thịt lẫn heo giống. So với năm trước thì năm nay số lượng tái đàn cho mùa tết sẽ ít hơn, nhưng vẫn tiếp tục duy trì để đảm bảo nguồn cung cho đợt Tết Nguyên đán 2024”.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm buộc phải công bố dịch; tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm cũng được kiểm soát tốt nên không xảy ra. Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm soát tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, trái phép vào địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định để ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển.

chăn nuôi hậu giang

Nhiều giải pháp đang được ngành chăn nuôi triển khai để thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến chăn nuôi, như dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường và chất lượng con giống… Nhờ đó, ngành chăn nuôi đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao đời sống của người dân và xây dựng nông thôn mới.

Giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển

Vấn đề giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh là một trong những nội dung quan trọng mà Sở NN&PTNT tỉnh luôn quan tâm. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, ước tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 146.246 con, tăng 1,53% so với cùng kỳ; đàn trâu khoảng 1.189 con, giảm 11,33% so với cùng kỳ; đàn bò khoảng 4.112 con, tăng 9,04% so với cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4,489 triệu con, tăng 2,49% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chăn nuôi trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chất lượng con giống chưa cao, chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh và bệnh cúm gia cầm H5N1. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi… Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi tại địa phương.

Để giải quyết những vấn đề trên, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững như đẩy mạnh công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh và bệnh cúm gia cầm H5N1. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo người dân triển khai áp dụng rộng rãi các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đặc biệt là khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, chăn nuôi trang trại tập trung.

Nhờ các cán bộ kỹ thuật tại địa phương nhiều lần hướng dẫn hỗ trợ chăm sóc, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu của bản thân mà anh Nguyễn Văn Út Em, ở ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã đạt hiệu quả cao trong mô hình chăn nuôi của mình. Anh Út Em cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 40 con gà trong vườn nhà. Buổi sáng tôi sẽ thả tự do, đến chiều thì lùa vào. Hiện tại, đàn gà đang phát triển rất tốt vì cứ mỗi đợt nuôi gà, tôi đều thực hiện tiêu độc sát trùng định kỳ, tiêm phòng cúm, sử dụng đệm lót sinh học để đàn gà khỏe mạnh và đạt năng suất cao hơn”.

Trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, vấn đề quan tâm hiện nay là cơ quan chuyên môn cần xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hợp tác hóa; đẩy mạnh việc cải tiến giống và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng hệ thống thu mua và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi như tư vấn kỹ thuật, cung cấp thức ăn, thuốc thú y, vật tư; tăng cường việc huy động vốn đầu tư và triển khai các chính sách ưu đãi cho người chăn nuôi; tăng cường việc đào tạo và nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý chăn nuôi cho người dân; tăng cường việc giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang hy vọng, với những giải pháp trên, ngành chăn nuôi tại tỉnh sẽ có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế và xã hội của địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Mai Thanh

Nguồn: Báo Hậu Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *