Hà Tĩnh: Lộc Hà thí điểm mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ đầu tiên được triển khai tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sẽ giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Sau khi tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F: Farm – Food – Feed – Fertilizer (trang trại – thành phẩm – thức ăn chăn nuôi – phân bón hữu cơ) của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Lộc Hà đã chỉ đạo phối hợp với công ty nuôi thí điểm mô hình trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Thoa (thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc) được lựa chọn tiên phong thực hiện mô hình với quy mô bước đầu nuôi 2 lợn nái và 20 lợn thịt/lứa. Giống lợn được chọn nuôi là giống lợn lai 4 máu, trong đó chỉ 12% là giống lợn Móng Cái, có năng suất chất lượng cao. Dự kiến kết quả mỗi lứa sẽ đạt năng suất 20 con lợn con làm giống và 2.000 kg lợn hơi xuất chuồng.

Để triển khai mô hình, chị Nguyễn Thị Thoa đã đầu tư hơn 80 triệu đồng xây dựng chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn, vệ sinh môi trường xung quanh… Đầu tháng 2/2023, chị Thoa đã nhập lợn về chăn nuôi.

nuôi lợn hữu cơ

Chị Nguyễn Thị Thoa mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình, chị Thoa bày tỏ: "Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn chăm sóc đàn, tuy nhiên tôi nhận thấy sự khác biệt. Lần đầu tiên tôi nuôi lợn theo tiêu chuẩn 5 không (không thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, không chất tăng trọng, không chất bảo quản); chỉ sử dụng các loại thức ăn hữu cơ…

Đặc biệt, với công nghệ sử dụng men vi sinh để xử lý nên chuồng trại nuôi heo khô thoáng, không có mùi hôi, nước thải. Toàn bộ phụ phế phẩm được xử lý thành phân bón hữu cơ để trồng một số loại thảo dược để làm thức ăn cho đàn lợn như: hoàng ngọc, chuối hột… Quan trọng hơn cả là hình thức nuôi này sẽ mang lại nguồn thịt sạch, bán với giá cao hơn".

Cũng theo chị Thoa, chi phí đầu vào của mô hình chăn nuôi hữu cơ rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được 30% lượng rau xanh tại chỗ. Tất cả thức ăn được bổ sung men, tỉ lệ phối trộn hợp lý trước khi cho ăn nên bảo đảm về chất lượng thịt. Qua 1 tháng thực hiện mô hình, đàn lợn phát triển đồng đều, khoẻ mạnh.

Đây là mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ đầu tiên được triển khai tại huyện Lộc Hà nên nhiều bà con nông dân trong vùng tới tham quan, học hỏi. Ông Cao Văn Hải (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Mô hình nuôi lợn nuôi lợn hữu cơ tại hộ chị Nguyễn Thị Thoa cho tôi những trải nghiệm thực tế, sinh động, trực quan về phương thức chăn nuôi mới. Thông qua mô hình, tôi hiểu hơn về cách làm nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ; học hỏi kinh nghiệm hay, từng bước thay thế cách nuôi lợn truyền thống”.

Theo ngành chuyên môn huyện Lộc Hà, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, đặc trưng cho địa phương. Đặc biệt, mô hình sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, thay đổi phương thức chăn nuôi cho người dân địa phương. Đây cũng là cách làm nông nghiệp mà huyện đang hướng tới.

Hộ chăn nuôi tham gia thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cùng Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ như cải tạo, xây dựng chuồng trại, tạo đệm lót sinh học, phối trộn thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh…

Được biết, từ năm 2022 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các địa phương tại Hà Tĩnh triển khai 13 mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ. Trong đó đã có 9 mô hình đã cho sản phẩm đạt kết quả tốt, 4 mô hình đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Ông Nguyễn Trọng Hương ­­­- đại diện Công tu CP Tập đoàn Quế Lâm chi nhánh tại Hà Tĩnh thông tin: “Qua triển khai mô hình tại huyện Lộc Hà đã giúp người dân thay đổi nhận thức về chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học, thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Sản phẩm sau quá trình chăn nuôi của mô hình sẽ được Tập đoàn liên kết tiêu thụ sản phẩm nên bà con tin tưởng và yên tâm khi tham gia thực hiện mô hình”.

Bước đầu, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi khi có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua việc triển khai mô hình, sẽ giúp quản lý tốt dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Đây sẽ là điểm làm cơ sở tham quan, học tập nhân rộng mô hình.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các mô hình chăn nuôi có liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đây giúp các hộ làm quen với phương thức chăn nuôi mới, liên kết sản xuất ra sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập.

Ông Võ Tá Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà

 

Cẩm Hoà

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *