Ngày 3-7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 – 11/7/2023).
Tại hội nghị, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 163.526 con trâu, bò; gần 1,4 triệu con lợn; đàn gia cầm hơn 38 triệu con; đàn chó, mèo 425.159 con.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố (tai xanh, lở mồm long móng gia súc, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò…) cơ bản được kiểm soát. Ngoài ra, toàn thành phố đã hoàn thành 2 đợt vệ sinh tiêu độc đại trà (đợt vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, sau tiêm phòng đại trà đợt 1-2023) và 1 đợt phun diệt ruồi, côn trùng và cấp hóa chất bổ sung phòng, chống dịch bệnh.
Tổng số hóa chất Chi cục cấp và sử dụng là 91.400 (lít, kg), diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc là hơn 140 triệu mét vuông.
Các quận, huyện và thị xã hỗ trợ 540,1 tấn vôi và kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Chi cục đã triển khai lấy 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt bò, 20 mẫu thịt lợn, 10 mẫu thịt gà) để xét nghiệm một số chỉ tiêu nhằm giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật. Thực hiện test nhanh kiểm tra tồn dư chất cấm tại các cơ sở giết mổ gia súc, đã lấy 564 mẫu kiểm tra, kết quả không phát hiện mẫu dương tính với Salbutamol (chất tạo nạc)…
Cũng tại hội nghị, các đại biểu ôn lại truyền thống và thành tích rất đáng tự hào của ngành chăn nuôi và thú y Hà Nội trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tặng hoa chúc mừng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhân dịp kỷ niệm của ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đề nghị thời gian tới, đi đôi với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ tái cấu trúc ngành chăn nuôi.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cần phối hợp với các địa phương tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cải tạo môi trường; phát triển chăn nuôi công nghệ cao tại một số vùng trọng điểm; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai tiêm phòng đại trà đợt 2 và bổ sung hằng tháng. Ngoài ra, cần lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đợt 2 năm 2023 để đánh giá hiệu quả tiêm phòng; giám sát lưu hành vi rút; triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường theo kế hoạch…
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới