(Người Chăn Nuôi) – Theo kế hoạch, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ trung bình từ 5 – 20% theo từng mặt hàng so với Tết năm ngoái.
Chiều 14/1, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán sắp tới.
Chiều 14/1/2025, Bộ Công Thương làm việc với thành phố Hà Nội về hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: PV/Vietnam+
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn hàng hóa được lưu thông tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ, trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5 – 20% theo từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết 2024. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa được tăng cường 30 – 35% sẵn sàng phục vụ người dân, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85 – 90%.
Đáng chú ý, khả năng tự cung ứng của thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với một số sản phẩm như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thủy sản nước ngọt; các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20 – 60% nhu cầu. Lượng hàng thiếu còn lại và các sản phẩm vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn sẽ được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc Kinh doanh Chi nhánh Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán 2025, doanh nghiệp này đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 20% với hàng tươi sống và tăng 50% với hàng chế biến. Tuy nhiên, bà Nghĩa cũng kiến nghị thành phố, các sở, ngành và Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp về việc vận chuyển trong thành phố nhất là thời gian cao điểm.
Năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 22 đơn vị, gồm 19 đơn vị của Hà Nội và 03 đơn vị của 06 tỉnh, thành phố khác.
Theo Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.313 địa điểm của các đơn vị phân phối sẽ mở cửa bán hàng trở lại phục vụ người tiêu dùng từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết.
Với dân số trên 11,05 triệu người sinh sống, làm việc, học tập và hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, dự báo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông lâm thủy sản trong 1 tháng của người dân Hà Nội sẽ khoảng 99.450 tấn gạo; 19.890 tấn thịt lợn hơi; thịt gia cầm 6.630 tấn; thủy sản 5.520 tấn; thực phẩm chế biến 5.520 tấn; rau củ 110.500 tấn; trứng gia cầm 132 triệu quả; trái cây khoảng 79.500 tấn.
Minh Khuê