Ngày 8/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) tổ chức Hội nghị kỷ niệm 72 năm thành lập ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 – 11/7/2022) và sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, với bề dày 72 năm xây dựng và phát triển, sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, ngành Thú y Hà Nội đã gặt hái được những thành quả lớn, quan trọng, được các cấp, các ngành ghi nhận. Trong công tác phát triển chăn nuôi, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước; chất lượng giống được cải thiện đáng kể, được nhiều tỉnh, thành phố tham quan học tập kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Tính đến thời điểm tháng 6-2022, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố dần khôi phục và có nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể, đàn trâu bò phát triển ổn định trên toàn thành phố với 168.959 con, tăng 6,8% so với năm 2021; tổng đàn lợn có gần 1,5 triệu con, tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước, đàn gia cầm 38 – 40 triệu con. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm nhìn chung ổn định, bệnh cúm gia cầm còn xuất hiện nhưng ở phạm vi nhỏ lẻ.
Các trạm chăn nuôi và thú y tại quận, huyện phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành các quận, huyện kiểm tra trên nhiều lĩnh vực về phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch – kiểm soát giết mổ – kiểm tra vệ sinh thú y, kinh doanh thuốc thú y và sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm chấn chỉnh và xử lý kịp thời vi phạm trong công tác thú y. Hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền và tiêu hủy, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Thanh Xuân.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường biểu dương những kết quả của ngành Thú y Hà Nội trong thời gian qua. Để phát huy những kết quả đạt được sau 72 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo tình hình về phát triển chăn nuôi trước bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều biến động, diễn biến dịch bệnh khó lường.
Đặc biệt, ngành cần quan tâm hơn đến công tác tham mưu về chính sách, nhất là chính sách đặc thù trong phát triển chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ; xây dựng chuỗi liên kết, chăn nuôi công nghệ cao, tiến tới xuất khẩu để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững; hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố tại 8 quận còn lại theo kế hoạch; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới