Huyện Ba Vì có ngành chăn nuôi phát triển, với nhiều trung tâm, cơ sở chăn nuôi, sản xuất con giống thuộc Trung ương đóng trên địa bàn huyện, như: Trung tâm Đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm Sản xuất tinh Mocada…
Đặc biệt, địa hình của huyện chia thành 3 vùng: Đồng bằng ven sông Hồng, vùng đồi, núi, tiếp giáp với nhiều tỉnh lân cận, giúp Ba Vì thuận lợi cho việc đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân.
Tăng cường bảo vệ môi trường
Theo đánh giá của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện chủ yếu nhỏ lẻ, những hộ chăn nuôi lớn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc quản lý, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng hộ chăn nuôi giấu dịch, vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường.
Tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện hiện là 41.300 con, trong đó có 12.000 con bò sữa; đàn lợn 260.000 con; đàn chó, mèo 43.886 con; đàn gia cầm 5,5 triệu con; tổng diện tích nuôi cá truyền thống 2.860 ha, nuôi cá lồng bè 19.860 m3…
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì Nguyễn Thị Minh Quý cho biết, cùng với phát triển chăn nuôi, công tác thú y được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo đảm môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm an toàn. Ngay từ đầu năm, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong 8 tháng qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, sử dụng 6.700kg-lít hóa chất, phun khử khuẩn trên tổng diện tích 4.800.000 m2…
Chăm sóc đàn gà tại một trang trại chăn nuôi ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì).
Tại xã Ba Trại, nơi có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn của huyện Ba Vì, công tác phòng dịch luôn được chú trọng. Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển thông tin, từ đầu năm đến nay, xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường được 3 đợt; tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng, viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò tổng số 1.300 lượt con; phòng dịch tả, tai xanh, lở mồm, long móng cho 1.200 con lợn, phòng dịch cúm 60.000 con gia cầm.
Tương tự, xã Cẩm Lĩnh có tổng đàn gần 835.000 con gà đẻ, gà thương phẩm; hơn 12.400 con vịt; 1.164 con trâu, bò; hơn 20.000 con lợn. Cán bộ thú y xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Thị Quỳnh cho biết, từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức tiêm phòng các loại dịch bệnh cho hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm và chuẩn bị tổ chức tiêm phòng đợt 2 trong tháng 9-2023.
Nhờ tích cực thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nên huyện Ba Vì không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm.
Đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm
Thời gian qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân, Đội Quản lý thị trường, Đài Truyền thanh huyện tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân về công tác phòng dịch; kịp thời đề xuất với UBND huyện những giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hằng tháng, trạm tổ chức họp chuyên môn với mạng lưới thú y cơ sở để trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nắm bắt tình hình dịch bệnh ở các xã, thị trấn; hướng dẫn người chăn nuôi về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trạm cũng thường xuyên phối hợp các ban, ngành liên quan, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc tại cơ sở. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn huyện tiêm vắc xin lở mồm, long móng cho 38.000 con trâu, bò; tiêm phòng Dịch tả lợn châu Phi, tai xanh cho hơn 140.000 lượt con lợn.
Ngoài các vắc xin do thành phố hỗ trợ, các hộ chăn nuôi cũng tự mua vắc xin phòng bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng để tiêm cho hơn 80.750 lượt con lợn; hơn 4,2 triệu lượt con gia cầm được tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cúm H5N1, Newcastle, Gumboro…
Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ba Vì cũng tập trung nâng cao trình độ năng lực quản lý nhà nước, năng lực cán bộ thú y cơ sở, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện; đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thú y trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh và giết mổ gia súc, gia cầm. Mạng lưới cán bộ thú y cơ sở thường xuyên giám sát chặt chẽ dịch bệnh tới từng hộ chăn nuôi, các thôn, xóm, nhằm kịp thời phát hiện và đề xuất với chính quyền trong tổ chức khoanh vùng, khống chế, không để lây lan dịch ra diện rộng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung thông tin, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện tham mưu kịp thời trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao trình độ năng lực quản lý nhà nước về công tác thú y; đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung thực hiện có hiệu quả Luật Thú y trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh, buôn bán và giết mổ gia súc, gia cầm; nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm bằng cách vận động người chăn nuôi chủ động mua vắc xin về tiêm.
Trung Nguyên
Nguồn: Hà Nội mới