Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 52,6% trong khi nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh hạn chế.
Chiều 22-1, Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Tại hội nghị, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, trong năm 2023, chăn nuôi trên địa bàn thành phố phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, đàn trâu hiện có 29 nghìn con; đàn bò 129,5 nghìn con; đàn lợn 1,49 triệu con; đàn gia cầm 41,6 triệu con…
Tính chung cả năm 2023, sản lượng sản phẩm chăn nuôi chủ lực của thành phố tăng mạnh. Trong đó, thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2,1 nghìn tấn, tăng 3,9% so với năm 2022; thịt bò 10,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; thịt lợn 254 nghìn tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm 162 nghìn tấn, tăng 1%; trứng gia cầm 2,82 tỷ quả, tăng 3,7%. Chăn nuôi góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành Nông nghiệp thành phố năm 2023; đáp ứng 60-65% nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô.
Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi con giống tập trung quy mô lớn.
Bên cạnh đó, chăn nuôi của thành phố chuyển biến rõ rệt theo hướng sản xuất con giống, mỗi năm, sản xuất khoảng 50 nghìn con giống bò thịt, 2 triệu con giống lợn, trên 200 triệu con giống gia cầm, hàng trăm nghìn liều tinh dịch lợn… phục vụ phát triển chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh.
Ngoài ra, trong năm 2023, toàn thành phố hoàn thành 5 đợt vệ sinh tiêu độc đại trà, tổng số hóa chất Chi cục cấp và sử dụng là 214.263 lít (kg), diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc hơn 349 triệu mét vuông. UBND các quận, huyện và thị xã hỗ trợ 1.207,4 tấn vôi bột với tổng kinh phí 2,68 tỷ đồng…
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăn nuôi trên địa bàn thành phố còn khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh, việc dự báo tình hình chăn nuôi, đặc biệt, việc thực hiện triển khai giảm mật độ chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi còn gặp nhiều thách thức. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (52,6%) trong khi nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại yêu cầu, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chi cục cần tiếp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về lĩnh vực chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; tuyên truyền, tập huấn công tác chuyên môn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan và đội ngũ thú y cơ sở; phổ biến, tập huấn các văn bản pháp luật, công tác quản lý giống vật nuôi, giống thủy sản, quản lý thuốc thú y trên địa bàn thành phố…
Cùng với đó, ngành cần thay đổi cách tiếp cận phương thức quản lý sản xuất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra là con giống cung cấp cho sản xuất; tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở sản xuất con giống phát triển, tiêu thụ theo định hướng của thành phố tập trung nâng cao chất lượng giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, cần tạo điều kiện để áp dụng công nghệ cao, phần mềm quản lý tiên tiến; tăng cường chọn lọc để nâng cao tiềm năng sản xuất đàn giống, giảm cơ cấu đàn lợn nái, bò cái, gia cầm mái, từ đó giảm giá thành con giống, tăng năng suất thịt, trứng, sữa…
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen, Giấy khen do có thành tích xuất sắc trong năm 2023.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới