Bão số 3 và mưa lũ gây ngập lụt nhiều ngày trên diện rộng đã khiến nhiều hộ gia đình chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị thiệt hại nặng nề. Ước tính, tỉnh Hà Nam bị thiệt hại gần 1 nghìn tỷ đồng. Để hỗ trợ các hộ sản xuất, chăn nuôi bị thiệt hại khắc phục khó khăn, tỉnh Hà Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có gỡ khó về tín dụng.
Hàng nghìn hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề
Trong trận lũ lịch sử vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn của tỉnh Hà Nam bị ngập lụt kéo dài. Theo đánh giá, toàn tỉnh thiệt hại gần 1 nghìn tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đã bị ảnh hưởng lớn, mất hàng tỷ đồng do ngập lụt ao hồ, đầm; trang trại nuôi gia súc, gia cầm, bò sữa.
Xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên có 43 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 1.900 con. Mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao khiến chuồng trại bị ngập úng nặng, buộc các hộ chăn nuôi phải di chuyển đàn bò đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, do môi trường mới không phù hợp như trên đường bê-tông, tá túc trên triền đê, sân bê-tông ven các trụ sở, cơ quan khiến bộ móng bị bong, hỏng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cho sữa của đàn bò.
Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Mộc Bắc bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ.
Là một trong những gia đình chăn nuôi bò sữa bị thiệt hại nặng sau mưa lũ, chị Nguyễn Thị Bảy, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, cho biết: Gia đình chị có 2 con bò sữa bị lũ cuốn trôi và 10 con bị hỏng móng, ốm phải loại thải. Đúng thời điểm này thì khoản vay 1,9 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam sắp đến thời hạn trả nợ. Nhưng rất may, khoản vay này của gia đình chị Bảy đã được ngân hàng cho gia hạn thời gian trả nợ cũng như giảm lãi suất. Bây giờ gia đình chị mong muốn các ngân hàng tiếp tục cho vay khoản vay mới để có điều kiện khôi phục lại sản xuất.
Sau mưa lũ, gia đình anh Nguyễn Văn Huynh, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, có 15/22 lồng bè nuôi cá trên sông Hồng bị hư hỏng, nước tràn và lưới rách khiến cá nuôi trong lồng thất thoát ra ngoài. Sau khi lũ rút, số cá bị ngộp nước, tróc vảy do va đập tiếp tục bị chết nhiều, ước thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Anh cho biết, gia đình mong muốn được ngân hàng cho gia hạn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cũng như được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện khôi phục sản xuất.
Với hơn 7km sông Hồng thuộc xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên có gần 200 lồng bè nuôi cá. Qua thống kê, bão số 3 và mưa lũ đã làm 120 lồng nuôi cá của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Chuyên Ngoại bị ảnh hưởng, ước thiệt hại hơn 21 tỷ đồng.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chuyên Ngoại, cho biết, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại cho xã gần 34 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là các hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng. Để có điều kiện đầu tư chỉnh trang lại lồng khôi phục sản xuất, chính quyền địa phương và người dân, nhất là các hộ nuôi cá lồng mong muốn được Nhà nước, các tổ chức tín dụng mà hộ nuôi cá có khế ước vay vốn gia hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ vay vốn mới để tái đầu tư sản xuất.
Là huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, trong đợt mưa lũ này, huyện Lý Nhân bị thiệt hại khoảng hơn 500 ha lúa mùa; 370 ha rau màu các loại; 373 ha cây ăn quả và 362 lồng cá nuôi trên sông Hồng, 350 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ngoài khu vực đê… bị ảnh hưởng nặng nề. Bão lũ làm gần 79.000 con gia cầm, 528 con gia súc bị chết.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, để kịp thời khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ này và sớm khôi phục sản xuất, ngay sau bão, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tập trung khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng. Riêng với các hộ dân có diện tích cây ăn trái, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng chúng tôi phối hợp cùng các hộ dân, các ngân hàng thống kê đánh giá tổng thiệt hại và đưa ra các phương án hỗ trợ người dân phù hợp, kịp thời giúp các hộ nhanh chóng ổn định đời sống và có nguồn vốn cần thiết để khôi phục sản xuất.
Tháo gỡ khó khăn về tín dụng để khôi phục chăn nuôi, sản xuất
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Nam có hơn 1.000 khách hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 với tổng dư nợ thiệt hại hơn 253 tỷ đồng.
Để triển khai đồng bộ các giải pháp đồng bộ, nhất là tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ các hộ dân sớm có nguồn kinh phí để đầu tư khôi phục sản xuất, kinh doanh, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ để thực hiện biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam cho biết, đơn vị đã chủ động liên hệ với khách hàng đang có quan hệ vay vốn để rà soát, tổng hợp, xác minh thiệt hại của khách hàng sau cơn bão số 3; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại theo đúng quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, giảm từ 0,5 đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Nam có hơn 1.000 khách hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 với tổng dư nợ thiệt hại hơn 253 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra, rà soát, thống kê các trường hợp bị thiệt hại; thực hiện điều chỉnh kỳ hạn nợ; gia hạn nợ; bố trí nguồn lực để cho vay mới, cho vay bổ sung; triển khai chủ trương chưa thu lãi của người vay bị ảnh hưởng đến ngày 31/12/2024. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 280 khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 với dư nợ hơn 20,4 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam, đến tháng 10, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 287 khách hàng với dư nợ hơn 30,8 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho hơn 720 khách hàng với dư nợ hơn 554,7 tỷ đồng, cho vay mới 5 khách hàng với doanh số 14 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Duy Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam, cho biết, với tinh thần khẩn trương, tích cực, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã chủ động liên hệ với khách hàng để nắm bắt, xác minh, tổng hợp tình hình dư nợ bị ảnh hưởng, bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3. Trên cơ sở đó, ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với khách hàng.
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam đã thiết lập Đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.