Cựu chiến binh Hồ Thanh Hà (SN 1968, thôn 1, xã Trà Giang, Bắc Trà My, Quảng Nam) xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng rừng kết hợp với diện tích hơn 14ha, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Ông Hồ Thanh Hà từng tham gia phục vụ trong quân ngũ tại Tiểu đoàn 91 Hội An (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam). Năm 1990, ông xuất ngũ về lập nghiệp tại huyện miền núi Bắc Trà My. Đến nay, ông sở hữu trang trại hơn 14ha, trong đó dành phần lớn công sức để nuôi ong lấy mật với 2.000 đàn ong. Mỗi tháng bình quân thuê 50 lao động phổ thông phục vụ chăm sóc, vệ sinh thùng ong, quay mật.
“Khi mới bắt đầu nuôi ong tôi gặp rất nhiều khó khăn do người dân vùng núi không quen, sợ ong nhiều sẽ phá hoại mùa màng. Sau một thời gian, người dân quen dần và thực tế chứng minh đàn ong không gây mất mùa. Vì vậy, tôi mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm để 15 hộ dân nơi đây cùng nuôi ong lấy mật, có thêm thu nhập cải thiện kinh tế gia đình” – ông Hà kể.
Bên cạnh nuôi ong, ông Hà còn trồng 10ha keo, hơn 5.000 cây sao đen, quế địa phương, cây ăn quả, nuôi cá, nuôi dê… Cùng với đó, mỗi năm ông duy trì đàn heo thịt hơn 30 con. Hiện nay ông còn thử nghiệm nuôi heo rừng lai, duy trì đàn khoảng 10 con. Trang trại của ông hằng năm mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Tháng 3.2021, ông Hà đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thanh Hà. Đây là mô hình hợp tác xã đầu tiên của hội viên cựu chiến binh ở Bắc Trà My. Với vai trò đại diện tập thể, ông Hà giúp thành viên hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của địa phương, vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng; giúp hội viên cựu chiến binh và người dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
Trong nhiều năm qua, ông Hà luôn gắn bó, nhiệt tình trong công tác hội. Ông có nhiều đóng góp trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Trà My cho biết, đến nay huyện có 4 doanh nghiệp vừa và nhỏ của hội viên cựu chiến binh, thu hút 45 lao động; 7 trang trại, thu hút 28 lao động; 26 gia trại, thu hút hơn 60 lao động; 16 hộ kinh doanh, dịch vụ, thu hút 23 lao động. Các mô hình phát triển kinh tế của hội viên tăng về số lượng, quy mô, nguồn vốn đầu tư. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên chính vùng đất “cao sơn ngọc quế”.
Tuấn Tú – Thúy Vân
Nguồn: Báo Quảng Nam