Từ những ‘trùm’ buôn ở Ninh Giang (Hải Dương), góc khuất rợn người về cung đường gia cầm giống nhập lậu được hé lộ.
Tin liên quan:
Những năm qua, mảnh đất Hải Dương nổi lên những ‘trùm’ gà, vịt giống Trung Quốc, phân phối cho các chợ đầu mối, tổng đại lý và các trang trại khắp các tỉnh phía Bắc với số lượng hàng vạn con mỗi ngày.
“Trùm” buôn khét tiếng đất Ninh Giang.
Nhờ một đại lý cung cấp gia cầm giống “chỉ điểm”, chúng tôi tiếp cận Việt “hàng Tàu” ở huyện Ninh Giang – “trùm” buôn gà giống nhập lậu từ Trung Quốc.
Để tạo vỏ bọc tiếp cận đối tượng, chúng tôi hóa thân thành dân IT chuyên nghiệp, muốn tìm nhà cung cấp gà chíp Tàu số lượng cả vạn con mỗi ngày để chạy quảng cáo bán hàng trên facebook, phục vụ người chăn nuôi vào đàn “đón sóng” thị trường dịp Tết.
Vốn là người rất cẩn trọng và kín tiếng với người lạ, nhưng thấy mảng kinh doanh online còn nhiều dư địa mở rộng, Việt tỏ ra nhiệt tình và tiết lộ hàng loạt bí mật động trời trong ngành buôn giống gia cầm nhập lậu cho chúng tôi.
Việt tự nhận là dân “chuyên hàng Tàu và… không có hàng Việt Nam”, hoạt động từ năm 2015 đến bây giờ. Chúng tôi hỏi mỗi chuyến hàng thường về bao nhiêu con giống gia cầm, Việt bảo “tùy theo khách đặt, bình thường về 1 vạn đến 2 vạn con”. “Mình buôn trực tiếp từ Trung Quốc về thế nên bạn cần con giống gì mình cũng đáp ứng được”.
Con gà Tàu có rất nhiều giá và biểu cân khác nhau, chất lượng cũng khác nhau. Khách có nhu cầu lấy con hàng rẻ tiền để quảng cáo bán hàng trên mạng hay yêu cầu giống phải đạt tiêu chí biểu cân để nuôi thịt, Việt đều có thể cung cấp. Quan trọng là khách hàng thích “làm điêu hay làm thật”.
“Trùm” buôn gà lậu đất Ninh Giang phân tích thêm, cũng là con gà chíp nhưng gà chíp biểu cân 2 kg/con rẻ hơn khoảng gần 10.000 đồng so với con gà chíp vàng lai, trọng lượng có thể đạt 2,8 – 3kg.
Một trại gà được Việt liên kết nuôi gia công để gột gà Tàu. Ảnh: Hùng Khang.
Ngoài bán gà chíp nở, Việt còn cung cấp gà cho các trại chuyên gột gà Tàu ở Ninh Giang. Một con chíp nở có giá 12.000 đồng nhưng nuôi gột khoảng 15 ngày thì đạt trọng lượng 180 đến 200 gram, bán tại cửa chuồng 18.000 đồng/con.
Tuy nhiên, “trùm” Việt chia sẻ thẳng thắn: “Nếu mua để chạy quảng cáo bán thì không vấn đề gì, nhưng nếu mua gà choai để nuôi lên con gà trưởng thành thì mình sẽ không bán, vì các bạn sẽ mất nghiệp. 100% con gà choai này người ta không tiêm một loại thuốc men, vacxin gì cả. Khi nuôi lên khoảng 3 – 4 tháng (chuẩn bị xuất bán) thì nó sẽ nổ bệnh Marek và chết”.
Theo lời Việt, con gà choai người ta nuôi gột để bán theo kiểu hàng chợ, bán trôi nổi. Nếu tiêm vacxin vào thì giá thành sẽ đội thêm 500 – 1.000 đồng, không cạnh tranh được về giá.
Bình thường, gà chíp Tàu thì Bắc Giang, Thái Nguyên dùng nhiều. Con chíp lai to cân (biểu 3kg) thì mạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và Chí Linh, Sao Đỏ (Hải Dương). Con bơ Tàu, gà choai thì chủ yếu là chợ Phú Xuyên.
Đường đi của gà Trung Quốc nhập lậu
Nói về những khó khăn khi nhảy vào buôn hàng Tàu trong 8 năm qua, Việt bảo: “Hàng Tàu là hàng nhập lậu, không phải là hàng về chính ngạch”. Hàng nhập lậu thì có hôm về sớm, có hôm về muộn. Con gà nở bên Trung Quốc từ hôm trước, vận chuyển về Việt Nam lại mất 1 ngày nữa. Giờ giấc gà về rất thất thường, bình thường hàng ngày là 8h – 9h là về đến nhà. Nếu đường biên trôi chảy thì có khi 2h sáng đã tới nhà, nhưng những lúc “có biến” thì đến 11h trưa mới về
Việt trực tiếp giao dịch chốt số lượng, giá cả gà, vịt giống với đầu mối bên Trung Quốc để thu mua gà. Tiếp đến đầu mối Trung Quốc sẽ đưa gà ra biên, từ đây phải thuê xuồng để chở qua sông sang lãnh thổ Việt Nam chứ không thể chễm chệ đi xe gà qua cửa khẩu được. Bởi, cửa khẩu thì phải xếp slot, phải đợi chờ, mà con gà không thể dừng được. Dừng lâu con gà nó nóng, sẽ chết, do đó phải đi theo đường tiểu ngạch.
Người ta không cần biết chủ hàng chở con vịt hay cái gì, mà tính tiền cước theo chuyến xe, chuyến xuồng, chở nhiều hay chở ít đều như nhau. Do đó, mỗi chuyến phải lấy vạn con giá mới có lãi.
Thường thường bọn anh phải đi 1 container luôn đấy nhỉ? (chúng tôi hỏi).
Việt bảo: “Nói một công (container) là sai, bọn mình đi con xe 3 chân, xếp được khoảng 500 lồng, mỗi lồng đóng 100 con thì nó cũng phải rơi vào 5 vạn gà một chuyến. Trong 5 vạn đấy có rất nhiều loại gà, toàn là gà Tàu thôi, trong đó có con K8, gà chíp, mỗi loại thường khoảng 1,5 vạn. Nhiều khi khách đặt vịt thì mình gom vịt lại và ghép vào chuyến”.
Nhiều lúc trên đường từ Móng Cái về xe chạy qua mấy tỉnh chứ không hề thuận buồm xuôi gió. “Trùm” Việt kể có những xe gần về đến nhà rồi mà còn bị bắt. Vừa xuống cao tốc thì quản lý thị trường đón lõng và bắt. “Làm ăn nó còn cạnh tranh nhau, đấu đá nhau chứ không phải là cứ thế mà đi đâu. Rõ ràng là nhiều khi “luật” mình làm rồi nhưng cơ của mình không cứng vẫn bị “đập” như thường”.
Việt tiết lộ thêm, ngoài Móng Cái thì đôi khi ở trên Cao Bằng cũng đi được qua đường rừng, thông qua đội gánh gà qua đồi.
Ông trùm đất Ninh Giang có 3 xe chở hàng, nhưng không lái xe nào phải ra tận Móng Cái lấy hàng, bởi đã có đội ngoài đó lo vận chuyển từ biên giới về tận nhà. Xe đến chỉ cần nhận hàng, đếm con chết, phân loại gà rồi phân ra các xe tỏa đi các hướng khác nhau, trong đó chợ đầu mối gia cầm giống Đại Xuyên (Hà Nội) hầu như ngày nào cũng đi.
“Một con gà cõng tiền công nhân, cõng con gà chết, cõng tiền chi phí xe pháo, cõng hết những chi phí khác, thế nên con gà nở nó mới đẩy lên đến 21.000 đồng. Một cổ mấy tròng đấy các bạn ạ… Hàng chết chóc tính hết vào những con sống. Tiền “luật lá” cũng cộng hết”, Việt nói.
Cách đây 5 năm, cước vận chuyển chỉ 800 đồng/con nên giá gà rất rẻ. Tuy nhiên, sau đợt Covid-19, phí “làm luật” cao hơn rất nhiều và khó đi hơn nên cước vận chuyển có thời điểm cao nhất lên tới 9.000 đồng/con. Cước đắt, khó đi nhưng những người như Việt vẫn phải tìm cách để đưa hàng về bởi khách hàng trong nước có nhu cầu cao.
“Khi hàng về tới nhà mình rồi thì mình có thể chở hàng đi khắp nơi. Thậm chí, chở lên tận nhà các bạn ở Hoàng Mai, Hà Nội. Vì người ta chỉ kiểm soát hàng nhập lậu từ cửa khẩu về, tức là qua cửa khẩu người ta sẽ kiểm tra, thường là ở khu vực Km15”. Xe của mình thì không bao giờ quan tâm đến chốt kiểm dịch, mình chỉ sợ hàng về muộn sẽ bị khô con hàng”, Việt nói.
Những lần quay video nhập gà để gửi cho khách, Việt chỉ quay những con hàng sống thôi. Còn những con hàng chết cả chồng cao Việt giấu nhẹm. “Bây giờ mình quay những con hàng chết lên cho bạn thì bạn mua làm gì? Những góc khuất đó các bạn không hiểu được đâu”, Việt trải lòng.
Ngoài các giống gà, Việt cũng nhập số lượng lớn vịt bơ Tàu từ Trung Quốc để giao đại lý gia cầm giống các tỉnh phía Bắc.
Có những hôm xe hàng về muộn, con gà bị khô, khi chở lên cho khách tuy không bị chết, nhưng nếu vận chuyển đi xa thêm một cầu nữa đến người chăn nuôi thì con gà không thể đảm bảo được nữa vì nó nhịn đói, nhịn khát quá lâu.
“Có khi chuyển 5.000 con gà vào trong miền Nam thì bị chết mất 2.000 con, còn có 3.000 con. Buôn hàng Tàu này vẫn có cửa lỗ nhiều”, Việt phân trần.
Tẩy trắng nguồn gốc gà Tàu
Làm nghề buôn hàng lậu, nên nguyên tắc của Việt là không cho bất cứ người nào không cảm thấy tin tưởng được vào kho hàng. “Có khi hôm nay mình làm ở kho mình, nhưng đợt sau các bạn đến mình làm ở kho khác rồi chứ mình không làm ở kho này. Phải thay đổi liên tục, vì khi mình làm nhiều thì đội quản lý thị trường cũng để ý, phải thuê địa điểm khác để thay đổi”.
Thông qua các video Việt trực tiếp quay kho hàng rộng cả nghìn m2 và gửi cho chúng tôi để chào hàng, có thể thấy đây là một “trùm” buôn thực thụ. Việt cho biết, chỉ đổ buôn cho những mối lớn, thế nên những khách hàng gọi điện đặt vài trăm con không bao giờ đếm xỉa.
Ngoài cung cấp gà, vịt giống Trung Quốc mới nở, Việt còn liên kết với rất nhiều chủ trang trại ở Ninh Giang để nuôi gột gà (úm gà trong khoảng 15 ngày) để bán gà choai cho các mối hàng ở chợ đầu mối gia cầm giống Đại Xuyên (những góc khuất rợn người về “thủ phủ” nuôi gà Tàu đất Bắc sẽ được chúng tôi lật mở trong bài viết tới).
Việt còn bày cho chúng tôi mánh khóe tẩy trắng nguồn gốc gà Tàu. Đó là, nên bỏ chi phí và thời gian để thiết kế hộp giấy và in tên công ty (ví dụ lấy tên doanh nghiệp là “Khang X” chẳng hạn), số điện thoại, xong mua con gà nở của Việt về, tiêm vacxin đầy đủ và đóng vào hộp gửi cho khách hàng.
“Bây giờ mình cũng đang làm việc với công ty V.P. ở trên Hưng Yên. Tất cả hàng người ta đều đóng hộp và đóng dấu công ty của người ta”, Việt cho biết.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi còn tiếp cận được thêm “trùm” buôn tên Hậu có thâm niên nhiều năm buôn bán con giống gia cầm tại đất Ninh Giang. Thời điểm chúng tôi đến khoảng 9h sáng ngày 8/9/2023, nhà bà Hậu có hơn 10 công nhân tay thoăn thoát lựa vịt để đóng hàng xuất đi. Theo bà Hậu, buổi sáng hôm nay có hơn 3 vạn con bơ được nhập về. Hàng về đến đâu được bán hết đến đó. Qua một vòng khảo sát tại trang trại, chúng tôi thấy có rất nhiều con giống như gà K8, K9 cùng những con bơ Tàu bị tồn ngày hôm trước. Chỉ trong khoảng 20 phút, đã có 2 chiếc xe tải chuyên dụng chở gia cầm sống đến “ăn” hàng.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam