(Người Chăn Nuôi) – Đó là chia sẻ của ông Pawin Padungtod (ảnh), điều phối viên kỹ thuật cao cấp, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp các bệnh động vật xuyên biên giới (Ectad) thuộc tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam.
Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là mục tiêu hướng tới của ngành chăn nuôi nói chung, ông có thể cho biết FAO đã có những hỗ trợ gì cho Việt Nam trong việc này?
Chúng ta cần phát triển an toàn dược phẩm và sử dụng những loại vaccine chất lượng nhằm phòng chống bệnh tật. Tại Việt Nam, mọi người vẫn thường có thói quen dùng thuốc kháng sinh để phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, những loại kháng sinh này cần được các chuyên gia sức khỏe động vật kê đơn. Thêm vào đó, những loại kháng sinh này cần an toàn và thân thiện với người dùng và vẫn có tác dụng phòng chống bệnh
Vậy theo ông, Việt Nam đang gặp những khó khăn gì trong việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi?
Thực ra, khó khăn chủ yếu mà người nông dân Việt Nam gặp phải đó là chưa phát triển được hết kỹ năng chăn nuôi của mình. Mặc dù dịch vụ chăm sóc sức khỏe động vật ở Việt Nam khá tốt nhưng tôi nhận thấy vấn đề ở đây là do người nông dân chưa biết cách chẩn đoán bệnh chính xác đối với con vật của mình. Vì thế, họ không biết sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách. Chính do rào cản này nên người nông dân thường dựa vào những kinh nghiệm của bản thân nhiều hơn là sử dụng thuộc kháng sinh một cách khoa học. Đây là khó khăn lớn nhất của Việt Nam.
Nên hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi Ảnh: IT
Ông có thể cho biết đâu là lỗ hổng đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài?
Tôi xin được đính chính lại là không phải tất cả các loại sản phẩm thuốc kháng sinh đều có hại vì nếu động vật có bệnh thì chúng cần phải được điều trị. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần giảm thiểu những tác dụng không cần thiết của kháng sinh, nếu như Việt Nam có thể làm điều này thì cũng sẽ rất có lợi cho việc sản xuất. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng sẽ làm suy giảm chất lượng nông sản và từ đó ảnh hưởng đến việc đưa nông sản ra tiêu thụ ở các nơi khác trên thế giới. Vì vậy, việc sử dụng đúng cách thuốc kháng sinh là rất cần thiết.
Nội dung hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đang gây khó khăn cho nông dân. Vậy chúng ta có giải pháp gì để người nông dân sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách?
Thật ra có rất nhiều cách để phòng chống bệnh tật mà không phải dùng đến thuốc kháng sinh. Sự thực là chúng ta cần giữ cho con vật của mình khỏe mạnh, tạo cho chúng môi trường sống tốt, cho vật nuôi ăn uống khoa học sẽ khiến vật nuôi luôn khỏe mạnh và nếu chúng khỏe mạnh thì khả năng miễn dịch sẽ được tăng cường. Ngoài ra, chúng ta cần phát triển an toàn sinh học để loại bỏ những loại virus, vi khuẩn gây hại. Thứ ba, đó là tham gia chương trình tiêm vaccine hiệu quả để phòng bệnh cho động vật. Bởi vậy tôi cho rằng công dụng của thuốc kháng sinh là không thực sự cần thiết. Vậy nên, nếu có thể thực hiện được 3 cách phòng bệnh trên thì sẽ không cần dùng đến kháng sinh. Và kháng sinh chỉ dùng đối với động vật đang có bệnh. Nếu vật nuôi khỏe mạnh thì không nhất thiết phải dùng kháng sinh.
Mục tiêu của FAO trong những năm tiếp theo cho việc sử dụng kháng sinh sẽ như thế nào, thưa ông?
Tổ chức FAO cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ Chính phủ các nước nhằm giảm thiểu tác dụng của thuốc kháng sinh, từ đó kiểm soát chất lượng của thuốc kháng sinh, các đại lý bán thuốc. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra được sản phẩm thuốc kháng sinh tốt nhất cho nông dân.
Trân trọng cảm ơn ông!