(Người Chăn Nuôi) – Hội nghị Giải pháp thay thế kháng sinh phòng trị bệnh cho lợn và gia cầm bằng phụ gia thức ăn chăn nuôi diễn ra vào ngày 2/10 (tại Hà Nội) và 5/10 (tại TP Hồ Chí Minh) nhằm tạo cơ hội để các chuyên gia, người chăn nuôi được lắng nghe và thảo luận về những khó khăn, chính sách trên toàn cầu, mục đích đưa ra những giải pháp về công nghệ mới cho toàn ngành chăn nuôi.
Nỗ lực trong quy trình quản lý
Sau hơn gần một thế kỷ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hiện tượng kháng kháng sinh đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm trên người và động vật, gia tăng tỷ lệ thương tật, thậm chí tử vong, đồng thời cũng gây tổn hại đến quá trình tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tìm ra các giải pháp để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi là một trong những vấn đề cấp bách của ngành.
Toàn cảnh Hội nghị Giải pháp thay thế kháng sinh phòng trị bệnh cho lợn và gia cầm bằng phụ gia thức ăn chăn nuôi diễn ra vào ngày 5/10 tại TP Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực của nước ta thời gian qua trong lộ trình kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi mà Chính phủ đề ra vào năm 2018. Việt Nam đã và đang chủ động kiểm soát lượng kháng sinh dùng trong động vật và đặc biệt là gia súc, gia cầm. Mục tiêu vào năm 2025 ngành chăn nuôi Việt Nam không còn trường hợp sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh mà chỉ dùng trong trị bệnh có kê đơn của bác sĩ thú y. Điều này không dễ thực hiện, nhưng chúng ta cần phải quyết tâm hoàn thành để bảo vệ ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển một cách bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực của ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua
Bà Gina Tumbarello, Giám đốc cấp cao về Chiến lược, Chính sách và Thương mại Toàn cầu tại Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ (AFIA), đã đưa ra những trao đổi về khung pháp lý cũng như phương pháp quản lý mà Hoa Kỳ đã áp dụng để đảm bảo sự an toàn, chất lượng và phúc lợi của các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước này. Chiến lược quản lý của các trung tâm thú y của FDA là để doanh nghiệp sản xuất tham gia tự nguyện tuân thủ, giáo dục trước và trong khi quản lý; ban hành Thư cảnh báo cho công ty vi phạm các yêu cầu và quy định, đồng thời thực hiện biện pháp cưỡng chế nhằm đạt được sự tuân thủ tự nguyện nhanh chóng. Đặc biệt, chương trình Chứng nhận Thực phẩm an toàn/Thức ăn an toàn của AFIA nhằm xây dựng chương trình chủ động và đưa ra những cam kết an toàn để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bà Gina Tumbarello, Giám đốc cấp cao về Chiến lược, Chính sách và Thương mại Toàn cầu tại Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Hoa Kỳ (AFIA) phát biểu tại Hội nghị
Những giải pháp cấp bách
Trong khuôn khổ của Hội nghị, Thạc sĩ Paul-Antoine Croize, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á tại Lallemand, đã giới thiệu các giải pháp an toàn và bền vững để bảo vệ động vật, con người và môi trường thông qua những kỹ thuật về vi sinh nhằm góp phần thúc đẩy tiến bộ khoa học về dinh dưỡng, sức khỏe và quản lý vật nuôi của Lallemand. Những giải pháp thay thế kháng sinh dành riêng cho dạ dày đơn được cung cấp bởi Lallemand Animal Nutrition là những bước tiến trong ngành chăn nuôi toàn cầu. Ông nhận định “ngày tận thế của kháng sinh” đang gần đến bởi những hành động quyết liệt của các nhà quản lý, người chăn nuôi trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, nhiều giải pháp vi sinh vật sống và có nguồn gốc từ vi sinh vật đã được chứng minh là có tác dụng tối ưu hóa tình trạng dinh dưỡng, khả năng miễn dịch và sức khỏe của động vật cũng như góp phần vào tiềm năng/biểu hiện di truyền.
Thạc sĩ Paul-Antoine Croize, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á tại Lallemand, giới thiệu những giải pháp thay thế kháng sinh dành riêng cho dạ dày đơn được cung cấp bởi Lallemand Animal Nutrition
Ông Vivek Kuttappan, Trưởng nhóm kỹ thuật mảng gia cầm tại Cargill, cũng nhận thấy rằng hiện nay một số biện pháp cải thiện khẩu phần ăn đang được thực hiện để nâng cao sức khỏe vật nuôi trong chăn nuôi không kháng sinh. Ông đưa ra giải pháp sử dụng Postbiotic và Phytogenics trong chế độ ăn uống của động vật, sau đó đã cho thấy nhiều hứa hẹn bằng phương pháp tiếp cận toàn diện. Các thành phần Postbiotic và Phytogenics được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau đều có hiệu quả trong việc hỗ trợ năng suất, phúc lợi động vật và an toàn thực phẩm của chăn nuôi không dùng kháng sinh.
Ông Vivek Kuttappan,Trưởng nhóm kỹ thuật mảng gia cầm tại Cargill, trình bày về các dự án hỗ trợ quản lý kháng sinh trong chăn nuôi
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Hoàng Hương Giang, đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cũng đưa ra những thảo luận về quy định sử dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Bà cho biết, từ ngày 01/01/2018, nước ta đã hoàn toàn ngừng việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Kháng sinh chỉ được phép sử dụng để phòng bệnh cho vật nuôi giai đoạn con non và trị bệnh cho vật nuôi khi mắc bệnh. Mục tiêu đến ngày 01/01/2026, nước ta sẽ hoàn toàn ngưng việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi. Bà cũng chỉ ra một số giải pháp mà ngành chăn nuôi nước ta đang thực hiện như sử dụng các chất thay thế kháng sinh kích thích tăng trưởng, phòng bệnh bằng vaccine, các chất cải thiện sức khỏe đường ruột vật nuôi: Probiotic, enzyme, acid hữu cơ, chiết xuất thảo dược, sản phẩm lên men… và cải thiện giống vật nuôi.
Tiến sĩ Hoàng Hương Giang, đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Tình trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, sai cách hoặc lạm dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh cho con người và động vật đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh hay còn gọi là vi khuẩn kháng thuốc gia tăng trên toàn thế giới. Việc tìm ra các giải pháp thay thế kháng sinh trong chăn nuôi là cuộc chiến trường kỳ và cấp thiết cần sự chung tay vào cuộc của các cấp quản lý và người chăn nuôi.
Anh Thư