Sau bão lũ, tình trạng chuồng trại ẩm ướt và môi trường bị ô nhiễm gây nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Việc dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường sau bão lũ có ý nghĩa rất quan trọng đến phục hồi ngành chăn nuôi.
Giải quyết vấn đề môi trường sau bão lũ
Để bảo vệ đàn gia súc gia cầm, theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), điều đầu tiên người chăn nuôi cần làm sau mưa lũ là phải giải quyết được vấn đề môi trường, cần phải khử trùng, tiêu độc bằng các biện pháp sinh học, hóa học.
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm khoảng 22.514 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết; nhiều chuồng trại bị hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và đàn vật nuôi.
Khử trùng, tiêu độc để xử lý môi trường chăn nuôi sau bão lũ. (Ảnh minh họa)
Ông Lê Quốc Thanh khuyến cáo người dân cần tăng cường những chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho đàn gà vì sau những ngày bão lũ, kháng thể đàn vật nuôi sẽ yếu đi. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần sử những nguồn nước sạch, không dùng nguồn nước không đảm bảo đề phòng những mầm bệnh trong nước.
Cụ thể, trong quá trình vệ sinh chuồng trại, người dân không được để chất thải chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường. Với 1 hộ gia đình còn có thể kiểm soát được nhưng nhiều hộ chăn nuôi phát thải chất thải chăn nuôi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cùng với bà con tổ chức tập huấn thống nhất quy trình xử lý một cách đồng bộ để bảo vệ đàn gia cầm.
Ông Lê Quốc Thanh cũng đánh giá cao tính chủ động của các địa phương, mặc dù bão lũ làm ảnh hưởng nặng nề nhưng các tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình và chuẩn bị kỹ lưỡng vật tư. Đồng thời nhấn mạnh Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần phải ngay lập tức cùng với bà con bắt tay triển khai các công tác xử lý môi trường. Việc này cũng cấp bách không kém việc phòng chống bão lũ vì số tiền mà người dân đầu tư vào chăn nuôi là không hề nhỏ, có hộ đã đầu tư 1 tỷ đồng, đàn gà đã gần đến ngày xuất chuồng nên chỉ cần lơ là người dân sẽ thất thu, thiệt hại lớn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho rằng việc xử lý môi trường, chăm sóc sức khỏe đàn vật nuôi cần được triển khai đồng bộ theo quy trình với tất cả các hộ chăn nuôi trong khu vực.
Khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau bão lũ
Trung tâm khuyến cáo, người dân chỉ tái đàn khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như: Sau khi chuồng trại chăn nuôi đã gia cố xong như mái lợp, hệ thống bạt che chắn xung quanh chuồng nuôi, dụng cụ trang thiết bị chăn nuôi đầy đủ, khu vực chăn nuôi đạt tiêu chuẩn để công tác tái đàn đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học. Lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở giống có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng vacxin theo quy định. Đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn, nước uống, chất độn chuồng.
Để khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau bão lũ, Cục Chăn nuôi chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thống kê thiệt hại về chăn nuôi để làm cơ sở cho hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Người dân chỉ nên tái đàn khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện. (Ảnh minh họa)
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và kinh phí để hỗ trợ cho những người chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại; trong đó, ưu tiên cho các đối tượng chính sách, thiệt hại lớn, khó khăn thông qua cấp phát vật tư, củng cố chuồng trại hoặc làm mới; cung cấp con giống, thức ăn ban đầu, thuốc tiêu độc, khử trùng để khắc phục, khôi phục sản xuất từ ngân sách nhà nước cấp cho các địa phương bị thiệt hại.
Cục Chăn nuôi cũng chỉ đạo các địa phương bị thiệt hại, rà soát và đánh giá nguồn cung con giống (gia cầm một ngày tuổi) từ các đơn vị cung cấp giống để bảo đảm cho việc khôi phục chăn nuôi. Đồng thời, Cục cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, các công ty trong nước về chăn nuôi hỗ trợ (vật tư chăn nuôi và con giống) người chăn nuôi bị thiệt hại do bão số 3.
Sông Hồng
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Môi trường