Trứng gà là một trong số hiếm hoi sản phẩm của ngành nông nghiệp tăng giá trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 16 tại một số địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Giá các sản phẩm gia cầm giảm từ 1.000 – 18.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, giá trứng gà lại tăng 200 – 500 đồng/quả, dao động ở mức 1.600 – 2.100 đồng/quả.
Theo ông Nguyễn Như So – Tổng Giám đốc Dabaco, mức giá trứng gia cầm như hiện nay là đảm bảo để người chăn nuôi có lãi.
Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết: Công ty đã cùng thành phố Hồ Chí Minh làm chương trình bình ổn giá 20 năm rồi nên đợt dịch này không vấn đề gì. Công ty cũng đã áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" từ lâu nên khi có dịch xảy ra doanh nghiệp không bị lúng túng. Hiện, mỗi giờ công ty đóng gói được 180.000 trứng. Lúc cao điểm, giá trứng là 28.000 đồng/chục trứng gà, trứng vịt 33.000 đồng. Chúng tôi luôn giữ giá để bình ổn, tới nay trên quầy kệ của các siêu thị đầy ắp trứng.
"Thời điểm khan hiếm hàng, sốt nóng, có ý kiến đề xuất tăng thêm 2.000 đồng/chục nhưng tôi nói không tăng, để phụ 1 phần cho dân nghèo. Tôi cam kết với Thứ trưởng Trần Thanh Nam trong vòng 5 – 7 ngày là giá trứng sẽ về bình thường. Tới nay hệ thống của chúng tôi đã đưa sản phẩm vào hàng trăm điểm bình ổn. Mỗi ngày công ty cấp 1 triệu trứng do xe của công ty tự vận chuyển" – bà Ba Huân cho biết thêm.
Theo Cục Chế biến, giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 9.000 – 10.000 đồng/kg, dao động khoảng 55.000 – 57.000 đồng/kg; miền Trung, Tây Nguyên giảm 8.000 – 9.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 55.000-60.000 đồng/kg; miền Nam giảm 6.000 – 9.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 52.000 – 56.000 đồng/kg.
Trong tháng 7, giá lúa gạo giảm, lúa IR50404 giảm 400đ/kg, còn 4.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 300đ/kg còn 5.000 đồng/kg nhưng gạo thường tăng 500 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg; giá Cà phê tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới; cà phê vối nhân xô ở mức 36.600-37.500 đồng/kg, tăng 1.400 đồng/kg. Giá mủ cao su thiên nhiên dạng nước tại Bình Phước tăng nhẹ nhưng ổn định tại Đắk Lắk.
Giá chè búp khô (chè đinh) hiện ở mức 2,5 triệu đồng/kg, giảm 500.000 đồng/kg so với tháng trước; giá chè móc câu 280.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng /kg; giá chè nõn 590.000 đồng /kg, tăng 140.000 đồng /kg so với tháng trước. Giá Hồ tiêu biến động giảm, hàng tồn kho còn khá nhiều; giá tiêu giảm 1.500 – 3.000 đồng/kg xuống mức 71.000 – 75.000 đồng/kg. Giá điều khô giảm 200 – 250 đồng/kg xuống còn 30.500 – 31.000 đồng/kg.
Giá cả các loại rau, củ quả tại các tỉnh Đông Nam Bộ đều giảm. Đối với rau củ, mức giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg (ớt, củ cải, hành lá, khoai môn, khoai lang, chanh); trái cây giảm mạnh (nhãn xuồng cơm vàng từ 6.000 – 7.000 đồng/kg (cùng thời điểm năm trước là 30.000 – 40.000 đồng/kg); mít Thái còn 2.000 – 3.000 đồng/kg (trước là 30.000 – 35.000 đồng/kg), chôm chôm Thái 12.000 – 13.000 đồng/kg (trước 40.000 – 45.000 đồng/kg) tùy loại.
Để tránh tình trạng khan hiếm thực phẩm trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đề nghị các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ địa phương phát triển sản xuất, khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau thiên tai, dịch bệnh; triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với lợn; phát triển chăn nuôi gia cầm đảm bảo nguồn cung và giá cả thị trường thịt và trứng…./.
An Nhi
Nguồn: VOV Online