Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Nhiều gia trại, trang trại tại tỉnh Tuyên Quang phải hoạt động cầm chừng, giảm quy mô, thậm chí, nhiều hộ ngừng nuôi, chuyển đổi mô hình nuôi để chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.
Trang trại lợn của ông Hà Văn Dũng, thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh (Sơn Dương) có quy mô lớn của xã. Với hơn 300 con lợn, mỗi ngày trang trại tiêu thụ khoảng 700 kg cám. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ Tết đến nay khiến người chăn nuôi như ông Dũng gặp không ít khó khăn. Ông Dũng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, các loại cám đã tăng giá 2 đợt, trung bình mỗi bao thức ăn 25 kg đội giá khoảng 15.000 – 25.000 đồng. Gia đình ông đã tăng cường phối trộn thêm nhiều ngô, đậu tương, sắn nhưng với giá thức ăn chăn nuôi tăng mà giá lợn giảm, ông phải bù lỗ gần 5 triệu đồng/tháng.
Vừa mới xuất bán 30 con lợn nái, anh Hoàng Văn Hương, thôn Nà Bó, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) cho biết, trước đây, trong chuồng nuôi luôn duy trì khoảng 50 con lợn nái, nhưng do giá thức ăn tăng cao nên gia đình bán dần, hiện trong chuồng chỉ còn 20 lợn nái và hơn 50 lợn con. Thay vì nuôi lợn bấp bênh, nguy cơ thua lỗ cao, anh đang chuyển sang đầu tư nuôi ngựa, cá để đỡ chi phí thức ăn.
Trang trại gà của gia đình anh Ma Văn Vỹ, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) đang trong giai đoạn cầm cự chờ giá thức ăn bình ổn trở lại.
Không riêng các hộ chăn nuôi lợn, thời điểm này các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì giá thức ăn thì tăng cao mà giá gia cầm và giá trứng lại giảm. Ông Ngô Văn Chung, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Cầu Trắng, xã Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết, với hơn 1 vạn con gà thương phẩm, mỗi ngày ăn hết 10 bao thức ăn. Trước đây, 1 ngày gia đình ông chi phí gần 2 triệu đồng tiền thức ăn cho gà, nhưng thời điểm hiện tại phải mất hơn 3 triệu đồng/ngày. Giá thức ăn cứ tăng chóng mặt, trang trại của gia đình khó cầm cự nổi. Nếu giá tăng thêm 5.000 – 10.000 đồng thì có thể duy trì việc chăn nuôi được một vài tháng, còn tăng từ 20.000 đồng trở lên thì ông đành phải giảm quy mô đàn gà.
Theo chủ các đại lý thức ăn chăn nuôi, từ cuối năm ngoái, tháng nào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản cũng thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển cũng tăng, kéo theo đó các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phải nâng giá thành. Anh Hà Công Hạ, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Hưng Hạ ở thôn Tụ, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, so với thời điểm năm ngoái, giá thức ăn chăn nuôi dịp này tăng mạnh và liên tục, kéo dài, mức tăng từ 200 – 400 đồng/kg/lần tăng. Giá tăng cũng kéo theo lượng khách hàng đến mua thức ăn chăn nuôi cũng giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Lan, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi, thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh, người chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn kép là chi phí thức ăn liên tiếp tăng cao, giá bán giá đầu ra giảm mạnh khiến người dân thua lỗ. Do đó, trước khi thị trường bình ổn, người chăn nuôi cần chủ động áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt sử dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, lúa, đậu tương, sắn, phối trộn làm thức ăn cho lợn, gà; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, hình thành mô hình chăn nuôi lợn tuần hoàn khép kín…
Bài, ảnh: Lý Thu
Nguồn: Báo Tuyên Quang