Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi thời gian qua quá nặng nề, trong khi giá thức ăn, con giống “leo thang” và giá lợn hơi tiếp đà giảm mạnh là nguyên nhân khiến người chăn nuôi lợn quy mô nông hộ ở Hà Tĩnh dè dặt trong việc tái đàn, tăng đàn.
Đầu tháng 4/2021, gia đình chị Lê Thị Hà ở thôn Trung Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà) phải tiêu hủy 15 con lợn do bị dịch tả lợn châu Phi. Thiệt hại nặng nề nên đến giữa tháng 6 vừa rồi, gia đình chị Hà mới dám khôi phục chăn nuôi.
Đến giữa tháng 6 năm nay, gia đình chị Lê Thị Hà (xã Thạch Văn,Thạch Hà) mới khôi phục chăn nuôi.
Chị Hà chia sẻ: “Dù đã tái đàn trở lại nhưng chúng tôi chỉ mới nuôi 2 lứa 20 con và nuôi tại chuồng nhỏ; còn chuồng lớn (nơi có số lợn phải tiêu hủy đợt trước) vẫn chưa dám nuôi lại. Dịch tả lợn châu Phi đã tạm được kiểm soát nhưng người chăn nuôi vẫn lo dịch bùng phát trở lại.
Hơn nữa, giá thức ăn hiện nay tăng từ 60.000 – 70.000 đồng/bao 25 kg so với thời điểm quý IV năm 2020 trong khi giá lợn hơi đang có xu hướng giảm mạnh (đầu năm 2021 khoảng 90 nghìn đồng/kg, hiện ở mức 60.000 đồng/kg) nên chúng tôi cũng ngại đầu tư lớn”.
Không riêng gia đình chị Hà mà nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã cũng ngại tăng đàn lợn do chi phí đầu tư sản xuất và chi phí phòng bệnh tăng cao. Hơn nữa, chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, điều kiện chuồng trại rất khó đảm bảo cho việc phòng, chống các loại dịch bệnh được triệt để nên nông dân chưa dám “mạnh tay” đầu tư.
Giá thức ăn chăn nuôi lợn hiện tăng cao là một bất lợi đối với người nông dân.
Ông Bùi Văn Hùng – phụ trách nông nghiệp xã Thạch Văn cho biết: “Thạch Văn là địa phương chăn nuôi lớn, tuy nhiên, hiện nay, tổng đàn lợn toàn xã chưa đến 3.000 con, giảm nhiều so với trước đây. Trong điều kiện hiện nay, do khó khăn chồng chất, việc chăn nuôi bấp bênh, lời lãi không nhiều nên người dân vẫn chưa mạnh dạn tái đàn, tăng đàn”.
Là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn của xã Thượng Lộc (Can Lộc), thời điểm này, gia đình bà Nguyễn Thị Ánh cũng giảm đàn lợn xuống chưa đầy một nửa so với trước đây.
Bà Ánh bộc bạch: “Ngày trước, đàn lợn của gia đình thường xuyên dao động từ 70 – 80 con các lứa gối nhau. Thế nhưng, hiện tổng đàn lợn chỉ hơn 30 con và nguồn giống cũng tự chủ động từ 5 con lợn nái chứ không mua thêm lợn giống bên ngoài”.
Người chăn nuôi lợn nông hộ ở Hà Tĩnh còn dè dặt trong việc tái đàn, tăng đàn.
Ngoài Thạch Hà, Can Lộc thì hoạt động chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại huyện Cẩm Xuyên hiện cũng kém sôi động.
Ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Do giá lợn hơi thời điểm này xuống thấp trong khi chi phí đầu tư sản xuất tăng cao là bất lợi lớn cho người nông dân. Nếu người chăn nuôi chủ động được con giống thì có lãi ít, còn nếu đầu tư mua hoàn toàn về con giống thì khó lãi trong điều kiện hiện nay. Tổng đàn lợn toàn huyện hiện là 51.000 con, trong đó chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm 52%. Theo rà soát, tổng đàn lợn quy mô nông hộ đã giảm từ 10 – 15% so với thời điểm đầu năm”.
Tổng đàn lợn quy mô nông hộ toàn tỉnh hiện đạt 224.605 con, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ghi nhận, ngành chăn nuôi lợn của Hà Tĩnh trong giai đoạn qua gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự biến động lớn của giá sản phẩm chăn nuôi, sức cạnh tranh cao, thị trường thu hẹp và các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Đặc biệt, trong giai đoạn giá thức ăn, con giống tăng cao (hiện ở mức 2,2 – 2,5 triệu đồng/con, trong khi cuối năm 2020 khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/con) mà giá lợn hơi đang có xu hướng giảm mạnh như hiện nay thì người chăn nuôi ngại tái đàn, tăng đàn cũng là điều dễ hiểu. Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện đạt 408.374 con, trong đó chăn nuôi quy mô nông hộ 224.605 con, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Để đảm bảo an toàn, người chăn nuôi lợn cần đầu tư mạnh cho công tác phòng dịch.
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: “Người chăn nuôi lợn, nhất là quy mô nông hộ cần nắm bắt tín hiệu của thị trường để có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp, tránh thua lỗ. Đặc biệt, khi quyết định đầu tư chăn nuôi trong giai đoạn này, người dân cần tuân thủ việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Theo đó, chuồng trại phải thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng hằng ngày; con giống phải mua ở các cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đủ giấy tờ kiểm dịch.
Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc; nếu là thức ăn tận dụng thì phải được xử lý, sơ chế trước khi cho ăn. Đàn lợn cần được bổ sung vitamin C, B complex, tăng điện giải nhằm tăng sức đề kháng trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay. Đặc biệt, để vật nuôi luôn an toàn, người nông dân cần đầu tư cho công tác phòng dịch, thực hiện tiêm phòng lở mồm long móng, các loại bệnh truyền nhiễm… cho vật nuôi đầy đủ.
Thu Phương – Ngọc Loan
Nguồn: Báo Nghệ An