Giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh theo chiều hướng tăng, trong khi ngành chăn nuôi liên tục gặp rủi ro do dịch bệnh và giá cả xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đầu tư của nông dân.
Anh Phạm Công Trình (thôn Hợp Nhất, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Chưa khi nào giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tiếp và cao như hiện nay. Chi phí đầu tư cho sản xuất bị đội lên rất lớn, gia đình phải tính toán số lượng đàn hợp lý để bảo đảm khả năng tài chính.
Trang trại nuôi lợn của anh Trình gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn do giá thức ăn đầu vào liên tục tăng.
Trang trại của anh Trình với diện tích gần 1 ha, cao điểm có lần anh nuôi gần 1 nghìn lợn thương phẩm thì nay con số đó đã giảm đáng kể, chỉ con 350 lợn. Trung bình mỗi ngày, chi phí thức ăn cho đàn lợn lên tới gần 2 triệu đồng.
Anh Trình phân tích, mỗi lần anh nhập từ 7 đến 8 tấn cám loại Cargill. Mỗi bao 25 kg có giá 328 nghìn đồng. Anh Trình cho biết, đó là giá nhập trực tiếp tại nhà máy không qua đại lý (nếu qua đại lý là 348 nghìn đồng/1 bao 25 kg). So với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 50 nghìn đồng/1 bao 25 kg.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến cho lợi nhuận của người chăn nuôi càng giảm.
Theo anh Trình tính toán, để nuôi 1 con lợn có trọng lượng 100kg, chi phí tiền thức ăn (khoảng 8 bao cám), chỉ tính riêng tiền cám tăng so với trước, mỗi con chi phí đội thêm gần 400 nghìn đồng.
“Hồi cuối năm trước, trang trại gia đình vướng dịch tả lợn Châu Phi nên xem như năm 2021 thất bại, không có lời lãi. Bước sang năm 2022, dù giá thịt ổn định, dịch bệnh được dập tắt nhưng để tái đàn là chưa thể”, anh Trình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Dăn, chủ trang trại chăn nuôi vịt tại xã Trường Sơn, Nông Cống cho biết: Hiện nay, phần lớn nguồn thức ăn trong chăn nuôi lợn, gà, vịt… đều dựa vào các loại cám công nghiệp. Do vậy, giá thức ăn càng tăng cao, lợi nhuận thu được của người chăn nuôi càng giảm. Nếu chăn nuôi gặp dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt đàn cao, nguy cơ người nông dân sẽ thua lỗ là chuyện không tránh khỏi.
Với ông Dăn, để duy trì đàn vịt 1 nghìn con, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào cám công nghiệp, ông đã đầu tư mua máy xay thức ăn chăn nuôi. Theo đó, lúa lép sau mùa thu hoạch, ngô, khoai… được ông tính toán thành phần rồi cho vào máy sấy tạo thành thức ăn dạng viên. Ông Dăn bảo, sử dụng loại thức ăn này kết hợp với cám công nghiệp đàn vịt của ông sinh trưởng, phát triển đều, giảm nguy cơ dịch bệnh hơn.
Đầu năm 2022, nhiều loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng giá.
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa cho biết: Chỉ trong năm 2021 giá các loại thức ăn chăn nuôi có tới 10 lần điều chỉnh giá, chủ yếu giá điều chỉnh theo hướng tăng. Tính đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 20 đến 30% so với cùng kỳ.
Bước sang đầu năm 2022, giá các loại thức ăn chăn nuôi lại tiếp tục tăng. Theo bà Bình, nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn như: Cargill Việt Nam; Proconco; New Hope… đã đồng loạt tăng giá bán, theo đó mức tăng giá cao nhất là 300 đồng/kg.
Ông Lê Văn T, quản lý cho một đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa lý giải: Nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng thời gian qua là do giá nguyên liệu nhập cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí dành cho cước vận chuyển cũng tăng theo.
Sơn Đình
Nguồn: Báo Thanh Hóa