Những tháng đầu năm, người dân bước vào đợt tái đàn nuôi mới gia súc, gia cầm. Thế nhưng, không khí chăn nuôi tại Hậu Giang kém nhộn nhịp, bởi lúc này người dân chưa dám đầu tư do lo ngại thua lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Chồng chất khó khăn
Nhiều đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cho biết, thức ăn chăn nuôi trong những tháng đầu năm lại điều chỉnh tăng giá. Điều này tiếp tục gia tăng gánh nặng cho người chăn nuôi, bởi sự mất cân đối giữa giá thành sản phẩm và chi phí đầu tư. Đó là chưa tính đến những khoản chi phí khác phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Bé Sáu, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Với đà tăng giá thức ăn này và giá heo hơi hiện tại, tôi thà chuyển sang nuôi con vật khác để nhẹ chi phí đầu tư hơn. Bởi nuôi một con heo đến lúc xuất chuồng, chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi đã hơn 4 triệu đồng, chưa kể tiêm phòng, dịch bệnh phát sinh. Ai “mát tay” lắm cũng chỉ phá huề, thậm chí thua lỗ”.
Bà Hồ Thị Gọn, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Chỉ tính riêng năm trước, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng rất nhiều lần; tháng 2 vừa qua, giá thức ăn tiếp tục tăng. Trong khi giá heo hơi đầu năm tới giờ cao nhất cũng không vượt qua mức 60.000 đồng/kg. Thực tế gần đây khi giá heo vừa nhích lên chưa được bao nhiêu thì giá thức ăn chăn nuôi lại tăng. Người chăn nuôi “oằn gánh” chi phí đầu tư. Vực dậy sau dịch tả heo châu Phi chưa được bao lâu thì tới đợt “bão giá” thức ăn chăn nuôi, thật sự quá khó để gắn bó với chăn nuôi nếu tình trạng mất cân đối này tiếp diễn”.
Người dân tăng cường phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro để tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi.
Chị Lê Thị Hồng Xuân, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, than thở: Không riêng người chăn nuôi, những hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng ngán ngẩm bởi giá thức ăn tăng, lượng bán ra giảm. Nếu tính gộp các lần tăng giá từ năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 100.000 đồng/bao. Gần đây phát sinh thêm câu chuyện chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng mạnh nên lợi nhuận giảm hơn trước.
“Trước đây, chăn nuôi mang lại lợi nhuận khá cho nông dân, nhưng mấy năm nay khoản lời dần “co lại” vì chi phí đầu tư quá cao, còn giá heo hơi trượt dài ở mức thấp. Điều này tác động lớn đến việc tăng đàn, tái đàn đầu năm của người dân, bởi rõ ràng với mức giá hiện nay người chăn nuôi không có lời. Tôi thấy bây giờ người ta mang tâm lý duy trì đàn heo nái, chứ vẫn chưa mạnh dạn đầu tư tăng hoặc nuôi thêm số lượng”, chị Xuân cho biết thêm.
Tiết giảm tối đa chi phí đầu tư
Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản tỉnh, cho biết: Thức ăn chăn nuôi tăng giá không chỉ tác động đến chăn nuôi heo mà cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay để tiết giảm chi phí, chúng tôi luôn khuyến cáo bà con tăng cường phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro. Lực lượng thú y cơ sở đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh để duy trì, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.
Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng nhiều lần làm cho lợi nhuận người chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm mạnh, thậm chí đối mặt nguy cơ phá huề hoặc thua lỗ. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 – 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng trong thời gian qua đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng.
Theo Cục Chăn nuôi, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc là do năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, công nghệ sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công.
Trong hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị: “Trước khó khăn, thách thức thì Nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân cần gắn bó, chia sẻ với nhau để tạo sức mạnh chung. Rất mong các doanh nghiệp không vội tăng giá để chia sẻ cùng người chăn nuôi”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp để tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, phục vụ xuất khẩu. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sản xuất các loại chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.
Bài, ảnh: Ẩn Liên
Nguồn: Báo Hậu Giang