Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi vừa điều chỉnh tăng giá lần thứ 10 liên tiếp từ cuối năm 2020. Trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ucraina hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và phân bón có thể tăng tiếp trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Nhiều doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi vừa thông báo điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco) thông báo đến khách hàng tăng giá bán thức ăn nuôi lợn và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.
Tương tự, Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn dành cho lợn con và gia cầm đẻ; tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại (không áp dụng cho thức ăn thủy sản). Mức tăng này áp dụng cho khách hàng phía Nam từ tỉnh Quảng Trị đến Cà Mau.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi khác là Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho tất cả các dòng sản phẩm với mức tăng 300 đồng/kg. Lý do Công ty CJ Vina Agri đưa ra là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động nên việc tăng nhằm ổn định chất lượng sản phẩm.
Đây là lần thứ 10 liên tiếp từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của người nông dân.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ucraina nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 143,5 triệu USD phân bón. Trong tháng 1 năm nay, con số này đạt khoảng 30 triệu USD (chiếm khoảng 17% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam). Hiện, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây ảnh hưởng xấu đến ngành trồng trọt. Rất có thể giá các loại phân bón tiếp tục đẩy lên mức cao trong thời gian tới.
Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước nhằm tránh cú sốc trước đà tăng giá của nhiều loại mặt hàng hiện nay.
Dương Hưng