Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải tạm thời đóng cửa, vì vậy, sản phẩm thịt lợn, thịt gà liên tục giảm giá và khó tiêu thụ. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi và chi phí sản xuất tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh điêu đứng.
Nhiều năm qua, gia đình chị Ngô Thị Quyến, ở xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) lấy chăn nuôi làm kế sinh nhai. Trung bình mỗi lứa, nhà chị duy trì đàn vật nuôi với số lượng hơn 3.400 con gà, 2.000 con vịt và 50 con lợn. Thế nhưng, mấy tháng qua, do giá cám tăng cao và lo ngại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nên chị đành bỏ trống chuồng gà, vịt và chỉ nuôi 10 con lợn.
Chăm sóc đàn gà con tại trang trại của gia đình bà Dương Thị Nguyệt, ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).
Chị Quyến ngậm ngùi: Thời điểm đầu năm nay, giá 1 bao thức ăn chăn nuôi cho gà chỉ hơn 225 nghìn đồng/bao (25kg) giờ đã tăng lên 290 nghìn đồng/bao. Trong khi đó, giá gà lại giảm mạnh từ 60 nghìn đồng/kg xuống còn 48-50 nghìn đồng/kg khiến người chăn nuôi chúng tôi lỗ nặng. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn xã cũng phải cắt giảm quy mô sản xuất, thậm chí bỏ trống chuồng.
Không chỉ các hộ chăn nuôi gà, bà con nuôi lợn cũng đang trong tình trạng lo lắng vì giá lợn hơi hiện đang xuống thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Anh Hoàng Văn Năm, một hộ chăn nuôi ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho biết: Nhà tôi hiện đang nuôi hơn 100 con lợn thịt. Mua giống vào thời điểm giá đắt, mỗi con lợn giống cũng “ngốn” đến hơn 2 triệu đồng, cộng với các chi phí thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng như công chăm sóc… thì giá bán phải từ 65 nghìn đồng/kg trở lên thì chúng tôi mới có lãi.
Với mức giá thịt lợn hơi hiện nay là 55 nghìn đồng/kg thì chúng tôi bị lỗ khoảng 100 nghìn đồng/1 con. Vì thế, cùng với việc làm tốt công tác phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngày nào tôi cũng nghe ngóng thông tin giá cả thị trường. Đồng thời, nhà tôi cho lợn ăn thêm các loại rau xanh, bã đậu… để giảm bớt chi phí – anh Năm cho biết thêm.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và cước vận chuyển tăng. Còn nguyên nhân giá thịt lợn, thịt gà giảm được cho là do nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động vì áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều nơi nên việc lưu thông giữa các địa phương gặp khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm. Giá cám tăng, giá thịt giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới vẫn duy trì ở mức cao. Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo người dân cần cân nhắc kế hoạch tăng đàn trong giai đoạn hiện nay để giảm thiểu rủi ro và những tác động xấu đến hoạt động chăn nuôi. Về phía các hộ chăn nuôi cũng cần chủ động tìm phương án giảm chi phí sản xuất, chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có, với mức giá thấp hơn như: Ngô, sắn, gạo, cám…
Tính đến hết tháng 7, tổng đàn lợn toàn tỉnh vẫn duy trì trên 475 nghìn con và đàn gia cầm đạt khoảng 14,6 triệu con. Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng ngành chức năng khuyến cáo bà con tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà cần tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đồng thời, áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển chăn nuôi bền vững.
Khánh Thiện
Nguồn: Báo Thái Nguyên