Từ cuối năm 2022 đến nay, giá sữa trên thị trường liên tục được điều chỉnh tăng với mức phổ biến mỗi lần 2-5%, có loại sữa nhập khẩu tăng đến 15%. Điều này đang gây áp lực đến chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế dự báo tiếp tục gặp khó khăn.
Từ đầu tháng 1-2023 đến nay, các hãng sữa liên tục thông báo giá bán lẻ mới. Ví dụ như Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam áp dụng giá mới từ ngày 19-1; từ ngày 1-2, Công ty TNHH Mead Johnson tăng giá bán một số sản phẩm sữa trong phạm vi 5% so với giá kê khai liền kề trước đó. Còn từ ngày 15-2, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) điều chỉnh giá tăng 3 – 5% đối với các dòng sữa.
Khảo sát giá bán lẻ trên thị trường cho thấy, mức tăng cao nhất trong vài tháng gần đây là dòng sữa bột Pediasure dành cho người già. Qua nhiều lần điều chỉnh, giá sữa bột Pediasure đã tăng từ mức hơn 700 ngàn đồng lên 857 ngàn đồng/hộp lớn. Các loại sữa pha sẵn, sữa tươi có mức tăng ít hơn như TH True Milk 180 ml tăng từ 385 ngàn đồng lên 400 ngàn đồng/thùng, Vinamilk 180 ml từ 340 ngàn đồng tăng lên 360 ngàn đồng/thùng… Nhiều loại vẫn được cửa hàng giữ nguyên giá cũ nhưng lại cắt các chương trình khuyến mãi đi kèm.
So với cùng kỳ năm trước, giá sữa đã có một số lần tăng và lần này, mức tăng phổ biến là 2 – 5% đối với các loại sữa tươi; 8-10% đối với sữa bột. Ảnh: Vũ Thảo
Bà Đỗ Thị Bích Hương – Chủ shop sữa Bích Hương (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) cho biết: “Việc điều chỉnh giá bán ra thị trường thường được các nhà cung cấp thông báo trước. Do đó, khi bán, chúng tôi cũng thông báo trước với khách hàng để họ không bị bất ngờ về mức giá mới. So với cùng kỳ năm trước, giá sữa đã có một số lần tăng và lần này, mức tăng phổ biến là 2 – 5% đối với các loại sữa tươi, sữa pha sẵn; 8 – 10% đối với sữa bột. Giá một số thực phẩm làm từ sữa cũng tăng nhẹ”.
Đại diện Cửa hàng TH True Milk trên đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku) chia sẻ: “Từ ngày 1-1, thuế giá trị gia tăng từ 8% đã trở về mức 10% như trước, do đó, giá bán lẻ cũng nhích lên. Đến ngày 1-2, giá tất cả các loại sữa của TH đã tăng khoảng 12 ngàn đồng/thùng 12 lốc. Hầu như năm nào cũng vậy, đến đầu tháng 2, giá sữa lại được điều chỉnh. Nhiều thời điểm, TH bị thiếu hàng là do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là đứt hàng cục bộ một vài dòng”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.op Mart Pleiku-thông tin: “Hầu hết các hãng sữa lớn đã điều chỉnh giá từ cuối năm 2022 đến nay với mức tăng phổ biến 3 – 5%. Mấy ngày trước, các nhà cung cấp sữa bột đã áp dụng tăng giá 4-5%. Hay trước đó, từ ngày 11-1, một số hãng sữa ngoại nhập của nhà cung cấp 3A đã tăng… Còn từ ngày 15-2, nhà cung cấp lớn là Vinamilk áp dụng giá mới với mức tăng 3 – 5% tùy dòng sữa. Hiện tại, một số nhà cung cấp không tham gia chương trình khách hàng thành viên nữa. Tuy nhiên, Co.op Mart vẫn linh động triển khai một số chương trình giảm giá trực tiếp trên sản phẩm sữa và sản phẩm được làm từ sữa để hỗ trợ khách hàng mua sắm với giá tốt nhất”.
Giá sữa liên tục tăng đang tạo áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Theo một số người bán, ngành sữa đang chịu nhiều áp lực bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao kỷ lục từ giữa năm ngoái đến nay nên đã có nhiều lần điều chỉnh giá bán. Trong đó, giá sữa bột dành cho người già, sữa cho phụ nữ mang thai được điều chỉnh khá mạnh, còn các mặt hàng sữa tươi có mức tăng ít hơn. Tuy vậy, việc điều chỉnh liên tục cũng đã khiến giá bán lẻ tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng vì sữa là thực phẩm không thể thiếu trong việc bổ sung dinh dưỡng cho sức khỏe cả trẻ nhỏ và người lớn. Anh Nguyễn Đăng Khôi (phường Yên Thế, TP. Pleiku) bày tỏ: “Gia đình tôi có mẹ già và 2 con nhỏ dùng sữa hàng ngày. Do đó, việc giá sữa liên tục tăng cao, nhất là dòng sữa dành cho người già tăng đột biến từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng/hộp khiến gia đình phải tốn thêm khá nhiều chi phí”.
Tương tự, chị Bùi Thị Thúy Hòa (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: Bình thường lúc trước chỉ chi khoảng 2 triệu đồng tiền sữa, nhưng mấy tháng nay phải chi khoảng 2,5 triệu đồng mới đủ dùng trong 1 tháng. Việc chi tiêu cho sinh hoạt gia đình mỗi thứ tăng lên một ít từ xăng xe, sữa, gas… cộng dồn lại ra khoản lớn.
Vũ Thảo