Sau gần 3 tháng bật tăng với mức giá từ 60 đến 68 nghìn đồng/kg, từ đầu tháng 9 trở lại đây, giá lợn hơi lại “quay đầu” giảm mạnh, hiện chỉ đạt 53 – 55 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, nếu cộng các chi phí về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… thì nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ bị thua lỗ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) hiện nuôi hơn 30 con lợn. Chị Hạnh nhẩm tính: Để nuôi 1 con lợn đạt trọng lượng trung bình 100 kg, tôi phải mất chi phí khoảng 5,5 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Nếu lợn hơi đạt mức giá trên 55 nghìn đồng/kg thì người nuôi còn có lãi, nếu thấp hơn là chúng tôi thua lỗ. Vài tháng trước, thấy thị trường khởi sắc, nhà tôi mới vào đàn được hơn 1 tháng để kịp xuất bán vào dịp Tết, nhưng bây giờ lợn lại “dứt đà” tăng giá, tôi đành phải cắt giảm chi phí thức ăn công nghiệp và bổ sung cám gạo, ngô cho đàn lợn.
Một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Tân Linh (Đại Từ) mới đầu tư tái đàn.
Không riêng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đối với các trang trại lớn, giá lợn giảm cũng khiến nhiều người “đứng ngồi không yên”. Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ), bộc bạch: Hơn 2 năm qua, giá lợn giảm sâu khiến nhà tôi thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Đến trung tuần tháng 5/2023, giá lợn hơi bắt đầu tăng lên hơn 60 nghìn đồng/kg, lúc đó nhà tôi lại chỉ còn 300 con lợn được xuất bán, giảm 2/3 so với tổng đàn trước đó. Sau đó, với hy vọng thị trường dịp Tết sẽ khởi sắc nên nhà tôi đã vào đàn hơn 500 con. Với tình hình như hiện nay, tôi cũng chưa biết đến lúc xuất chuồng thì giá lợn sẽ tăng hay tiếp tục giảm? Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài tiêu thụ trong nước thì thịt lợn của nước ta chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Thời gian qua, giá lợn của nước láng giềng Trung Quốc giảm mạnh, khiến thị trường trong tỉnh và trong nước giảm theo. Thêm vào đó, trong tháng 8, tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại tại một số địa phương trong nước, khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn.
Mặc dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị vẫn chưa giảm. Trong ảnh: Người dân chọn mua thịt lợn an toàn tại Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên).
Mặc dù giá lợn hơi giảm, nhưng khi khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tự chọn không hề xuống thấp. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 110-120 nghìn đồng/kg, sườn có giá 120 nghìn đồng/kg; thịt mông sấn có giá 100 nghìn đồng/kg… tương đương với mức cách đây 2 tháng khi giá lợn hơi tăng lên 65 nghìn đồng/kg. Như vậy, có thể thấy, giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện xong công tác tiêm phòng vắc-xin đợt I/2023 cho đàn gia súc, gia cầm với số lượng trên 2,3 triệu liều. |
Trước những khó khăn người chăn nuôi đang phải đối mặt, nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát trở lại. Đồng thời, các địa phương cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định…
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản, trong giai đoạn hiện nay, bà con cần tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp; không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ giống để bổ sung, tái đàn. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro, ngành chức năng khuyến cáo bà con tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi có uy tín để bao tiêu sản phẩm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, khi cung vượt cầu dẫn tới bị ép giá…
Khánh Thiện