Những ngày đầu tháng 11, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, TP miền Bắc đã giảm đáng kể, xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh, TP như Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương… dao động ở mức 45.000 – 47.000 đồng/kg.
Như vậy, so với cuối tháng 9/2018, giá lợn hơi đã giảm đáng kể. Tại Hà Nội, giá lợn hơi giảm từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, hiện ở mức 45.000 đồng/kg, riêng tại huyện Ba Vì được giao dịch khoảng 43.000 – 44.000 đồng/kg. Ngay cả Công ty C.P cũng giảm giá lợn hơi xuống dưới 50.000 đồng/kg.
Mặc dù giá lợn hơi đã giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại hệ thống chợ truyền thống không giảm. Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá bán lẻ thịt tại các chợ thời điểm này vẫn ở mức cao. Tại chợ Trung Văn (Nam Từ Liêm), nạc thăn, nạc vai vẫn đứng giá 100.000 đồng/kg; sườn từ 100.000 – 110.000 đồng/kg; ba chỉ 85.000 đồng/kg. Tại chợ Thành Công (Ba Đình), nạc thăn, nạc vai cũng dao động từ 95.000 – 100.000 đồng/kg, thịt lợn loại trung bình vẫn ở mức 70.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại. Giá lợn hơi tại các siêu thị cao hơn chợ dân sinh khoảng 10 – 20% tùy loại… Các hộ tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công cho hay: Dù giá nhập có giảm đôi chút nhưng chi phí vận chuyển vẫn cao nên chưa giảm giá bán lẻ.
Thực tế cho thấy, không phải tất cả các chợ đều giữ nguyên mức giá bất chấp việc giá lợn hơi đã giảm, một số chợ lại có mức giá khá rẻ. Người tiêu dùng tại khu vực Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết: Hiện giá thịt lợn bán lẻ tại chợ Giáp Nhị cũng khá rẻ, sườn nguyên cục đã giảm xuống còn 70.000 đồng/kg; móng giò 70.000 đồng/kg; thịt mông, vai dao động từ 80.000 – 85.000 đồng/kg; thịt thăn từ 90.000 – 100.000 đồng/kg.
Phân tích nguyên nhân khiến giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao trong khi thịt lợn hơi giảm giá, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, giá cao không phải do khan hiếm thịt lợn mà do khu vực nông thôn không có điều kiện tiếp cận với những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn theo trang trại hoặc các DN cung cấp chính mặt hàng thịt, dẫn đến giá thịt lợn tăng cao cục bộ ở nhiều nơi. Diễn biến này cũng nhanh chóng lan tỏa, tạo ra tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung thịt lợn và kéo giá lên cao. Đặc biệt, thịt lợn trước khi đưa ra thị trường phải qua quá nhiều khâu trung gian, dẫn đến tăng hoặc giữ giá ở mức cao để thu lãi, trong khi người nông dân phải chịu rủi ro và người tiêu dùng phải mua với giá cao.
Thu Hương
Nguồn: Kinh tế Đô thị