Đến nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã lây lan ra 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và khuyến cáo người dân chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc.
Khó kiểm soát véc tơ truyền bệnh
Đak Hlơ là xã đầu tiên ở huyện Kbang công bố dịch VDNC trên đàn bò. Đến nay, toàn xã có 124 con bò mắc bệnh, trong đó có 18 con đã chết. Chủ tịch UBND xã Bùi Phích cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh VDNC trên đàn bò diễn biến phức tạp, UBND xã đã cử cán bộ thú y phối hợp với các thôn, làng phun thuốc tiêu độc khử trùng tất cả khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân. Đồng thời, vận động bà con có điều kiện chủ động mua vắc xin tiêm phòng, thuốc chống ruồi, muỗi để phun khu vực chăn nuôi nhằm tiêu diệt véc tơ truyền bệnh; rắc vôi phong tỏa khu vực có bò nhiễm bệnh và điều trị theo hướng dẫn của cán bộ thú y”.
Chăn nuôi bò thả rông là một trong những nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Nguyễn Hồng
Từ cuối tháng 6 đến nay, huyện Krông Pa có 1.787 con bò mắc bệnh VDNC. Tốc độ lây lan rất nhanh khiến người chăn nuôi lo lắng. Chị Ksor H'Chua (buôn Choanh, xã Uar) cho hay: “Tôi có 6 con bò. Khi phát hiện 1 con bị bệnh, tôi đã báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã về cách chữa trị nên bò đã đỡ bệnh và ăn uống bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn không biết bệnh có lây lan sang những con bò khác không”.
Đến nay, huyện Đak Đoa cũng đã có 1.491 con bò bị bệnh VDNC trên địa bàn 86 thôn, làng thuộc 14 xã, thị trấn. Ông Võ Bình (thôn 1, xã Nam Yang) cho biết: “Tôi mua vắc xin về tiêm phòng cho 5 con bò của gia đình nhưng vẫn chưa an tâm. Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã tổ chức tập huấn về cách nhận biết các triệu chứng của bệnh và hướng dẫn điều trị, chăm sóc”.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian tới, dịch bệnh VDNC có khả năng diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng. Đây là bệnh mới, chưa được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch nên việc hướng dẫn tổ chức phòng-chống dịch còn nhiều hạn chế; véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) khó kiểm soát. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp.
Nỗ lực phòng – chống dịch bệnh
Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể, các địa phương đã sử dụng 5.593 lít hóa chất Benkocid, 435 lít hóa chất diệt côn trùng, 84,1 tấn vôi bột để khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời, thành lập 42 chốt kiểm dịch tại các khu vực có dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động mua vắc xin về tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng được khoảng 132.115 liều vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò.
Lực lượng chức năng xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) phun tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi có bò bị bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Lê Nam
>> Đến ngày 29/7, toàn tỉnh Gia Lai có 13.572 con bò mắc bệnh VDNC của 8.160 hộ/857 thôn, làng thuộc 149 xã, phường, thị trấn ở 14 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 700 con chết, 4.170 con đã điều trị khỏi. |
Tại Kbang, UBND huyện đã phân bổ hơn 960 lít hóa chất và hơn 12,6 tấn vôi bột để tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Ngoài số lượng hóa chất được huyện cấp, các địa phương còn vận động hộ chăn nuôi chủ động mua vắc xin, hóa chất, vôi bột, thuốc diệt ruồi, muỗi, ve… để phòng bệnh VDNC. Cùng với đó, các xã, thị trấn cũng chủ động xuất ngân sách dự phòng mua vắc xin, thuốc điều trị để hỗ trợ cho các hộ đặc biệt khó khăn. Đến nay, trên 50% đàn trâu, bò đã được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC.
Còn ông Lê Văn Nguyên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa thì cho biết: “Thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn đã mua và tiêm phòng hơn 6.500 liều vắc xin tiêm cho đàn bò. Cán bộ thú y huyện xuống các xã hướng dẫn người dân điều trị theo phác đồ. Riêng những trường hợp có bò bị bệnh nặng thì cán bộ thú y trực tiếp điều trị”.
Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng khuyến cáo: Qua kiểm tra cho thấy, bệnh VDNC xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt, người chăn nuôi cần chủ động chăm sóc, định kỳ tiêu độc khử trùng, hạn chế chăn thả rông. Khi phát hiện vật nuôi bị bệnh phải báo với cán bộ thú y gần nhất để được hướng dẫn, cách ly và điều trị. Đồng thời, cần bổ sung đầy đủ nước uống và thức ăn dễ tiêu hóa nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi. “Thời gian tới, lực lượng thú y các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chăn thả có kiểm soát, trung thực khai báo khi bò mắc bệnh để xác định nguồn lây nhằm khoanh vùng bao vây ổ dịch. Ngoài ngân sách nhà nước, các địa phương cần huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò. Đồng thời, xem xét hỗ trợ các hộ có bò bị tiêu hủy do bệnh VDNC theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ” – ông Dũng thông tin.
Lê Nam – Nguyễn Diệp
Nguồn: Báo Gia Lai