Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, năm 2023, các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai đã huy động mọi nguồn lực để bao phủ vắc xin cho đàn vật nuôi.
Huy động mọi nguồn lực
Xã biên giới Ia Mơr là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi của huyện Chư Prông với hơn 5,5 ngàn con gia súc, gia cầm. Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, những năm qua, từ nguồn vốn của huyện cấp về, xã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cũng như phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, UBND xã luôn cử cán bộ chuyên môn theo dõi diễn biến phát triển đàn gia súc, gia cầm cũng như việc tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh theo mùa. Nhờ làm tốt công tác phòng-chống nên xã chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại cho người dân”.
Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí của Nhà nước và xã hội hóa, các xã, thị trấn ở huyện Chư Prông đã triển khai tiêm trên 174 ngàn liều vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước triển khai tiêm hơn 45 ngàn liều vắc xin các loại; nguồn xã hội hóa tiêm khoảng 129 ngàn liều, tập trung phòng ngừa các bệnh như: viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; tụ huyết trùng trên đàn heo; lở mồm long móng trên đàn trâu, bò; bệnh dại chó, mèo.
Lực lượng chức năng huyện Krông Pa phun hóa chất khử khuẩn khu vực chăn nuôi gia súc. Ảnh: L.N
Từ nay đến cuối năm 2023, huyện tiếp tục tiêm 16 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng nhằm tạo miễn dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cùng với đó, huyện đã triển khai đợt 2 tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường với 1 ngàn lít hóa chất được cấp cho 20 xã, thị trấn và đang triển khai đợt 3 với 550 lít hóa chất cấp cho các địa phương trên địa bàn.
Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho biết: Để có đủ số lượng vắc xin tiêm cho đàn vật nuôi, huyện đã tận dụng tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp. Chính nhờ tiêm phòng vắc xin phủ rộng trên đàn vật nuôi nên huyện chưa xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm…
“Thời gian tới, bên cạnh tập trung huy động nguồn lực bao phủ vắc xin cho đàn vật nuôi, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng trị bệnh cho vật nuôi”-ông Hưng thông tin thêm.
Là địa phương có tổng đàn gia súc lớn của tỉnh với hơn 63 ngàn con bò, gần 16 ngàn con heo, khoảng 14 ngàn con dê… nên công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được huyện Krông Pa đặt lên hàng đầu. Năm 2023, huyện đã xuất kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng mua 14,5 ngàn liều vắc xin viêm da nổi cục, 400 lít hóa chất để phòng-chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện được tỉnh hỗ trợ 19,5 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng, cấp gần 1,3 ngàn lít hóa chất Benkovet và Benkocid để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa-thông tin: Đến nay, huyện đã triển khai tiêm 15 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng, sử dụng hơn 1,9 ngàn lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng hơn 2,3 triệu m2 chuồng trại; dọn vệ sinh môi trường, phát quang, khơi thông cống rãnh được hơn 2,5 triệu m2. Đồng thời, huyện đang huy động nhân lực triển khai tiêm 19 ngàn liều vắc xin tụ huyết trùng, 19,5 ngàn liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò của các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách ở 4 xã: Chư Ngọc, Đất Bằng, Ia Rsươm, Krông Năng có nguy cơ cao lây bệnh từ huyện, tỉnh khác vào địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh bao phủ vắc xin
Gia Lai đang bước vào thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Do đó, các ngành và địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, trong đó bao phủ vắc xin vẫn là giải pháp phòng tránh dịch bệnh hữu hiệu được các địa phương chú trọng.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa: “Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng-chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đặc biệt, người chăn nuôi cần chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ để triển khai tiêm vắc xin kịp thời cho đàn vật nuôi, tránh xảy ra dịch gây thiệt hại lớn cho người dân”.
Còn Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông thì cho biết: Giai đoạn 2022 – 2025, huyện phấn đấu bao phủ vắc xin phòng bệnh cho trên 70% tổng đàn vật nuôi. Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch bệnh năm 2024, đồng thời xác định các đối tượng vật nuôi để tiêm phòng và các loại dịch bệnh cần tiêm phòng. Vấn đề về kinh phí cũng đã được lên phương án và đang chờ HĐND huyện thông qua.
Theo ông Nguyễn Minh Tứ – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh: Dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng trong năm 2023, huyện đã xuất gần 850 triệu đồng để mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đến nay, huyện đã bao phủ được trên 90% vắc xin viêm da nổi cục và trên 50% vắc xin lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Huyện cũng vận động người dân tự mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tránh thiệt hại về kinh tế khi xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, huyện đã xuất 600 lít hóa chất để tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các điểm giết mổ, buôn bán động vật…
Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò của người dân. Ảnh: N.D
“Thời gian tới, huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí dự phòng phục vụ chống dịch để mua vắc xin tiêm bao vây trên đàn vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định hiện hành; ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch đối với hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Cùng với đó, khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi thuộc đối tượng không được hưởng hỗ trợ của ngân sách nhà nước tự chủ động mua các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn vật nuôi” – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã bố trí được hơn 15,8 tỷ đồng (đạt khoảng 48% kế hoạch) để mua và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh chủ động cho đàn vật nuôi. Qua đó, các địa phương đã triển khai tiêm được gần 177 ngàn liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò; hơn 88 ngàn liều vắc xin viêm da nổi cục, 73,2 ngàn liều vắc xin tụ huyết trùng… Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt, ổ bệnh trên động vật xảy ra lẻ tẻ và được xử lý ngay khi mới phát sinh.
Ông Dũng thông tin thêm: “Do tình hình bố trí kinh phí cho công tác phòng-chống dịch bệnh động vật tại các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, chưa tạo được miễn dịch quần thể nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan là rất lớn. Đang là thời điểm giao mùa nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, nhất là bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Bên cạnh đẩy mạnh xã hội hóa công tác bao phủ vắc xin cho đàn vật nuôi, hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 3. Theo đó, tỉnh đã cấp cho các địa phương hơn 2.800 lít hóa chất để vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng-chống dịch bệnh và tiêm vắc xin một cách hiệu quả nhất”.
Quang Tấn – Ngọc Sang