Hiện nay, trên địa tỉnh Gia Lai có 632 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng. Nhờ đó, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Theo đó, 632 trang trại chăn nuôi gồm: 152 trại bò, 351 trại heo, 129 trại gia cầm được ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến như: Sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tự động hóa chuồng nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi…
Các trang trại này tập trung ở một số địa phương như: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang.
Việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đã thúc đẩy gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Năm 2023, toàn tỉnh có 452.500 con bò (tăng 11,39% so với năm 2022); 783.000 con heo (tăng 24,42% so với năm 2022); 14.308 con trâu (tăng 3,8% so với năm 2022). Ước sản lượng thịt trâu, bò hơi đạt 52.800 tấn (tăng 8,32% so với năm 2022); thịt heo hơi đạt 92.100 tấn (tăng 38,72% so với năm 2022)…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y… vào chăn nuôi. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh, đặc biệt là phải đảm bảo môi trường. Hình thành vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với quản lý dịch bệnh và ô nhiễm môi trường; các chuỗi liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm lấy doanh nghiệp làm đầu chuỗi.
Trần Dung