Gia cầm Pháp dần mất thị phần nội địa

(Người Chăn Nuôi) – Các hãng gia cầm tại Pháp đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi các mặt hàng gia cầm nhập khẩu, đặc biệt là làn sóng hàng hóa từ Ukraine và Brazil.

49% thịt gà ngoại

Một nửa sản lượng gia cầm được tiêu thụ tại thị trường Pháp đều là hàng nước ngoài. 43% thịt gia cầm trên thị trường Pháp trong 5 tháng đầu năm 2022 là hàng nhập khẩu, đối với thịt gà, con số này thậm chí cao hơn. Các hãng sản xuất gia cầm của Pháp đang dần mất thị phần trước hàng nhập khẩu giá rẻ và trong vài năm qua, xu hướng này ngày càng tăng.

Theo số liệu từ Hiệp hội sản xuất gia cầm Pháp (AVVOL), khối lượng nhập khẩu gia cầm trong năm 2020 chỉ chiếm tỷ lệ 24%, nhưng đã tăng lên 39% vào năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu gia cầm tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước.

gia cầm Pháp

Thị trường thịt gà bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020, khoảng 40% lượng thịt gà tiêu thụ tại Pháp là hàng nhập ngoại. Con số này đã tăng lên 45% vào năm 2021 và đạt 49% trong 5 tháng đầu năm 2022. Theo ANVOL, Pháp cũng phải nhập khẩu 19% thịt gà tây và 14% thịt vịt. Thịt gia cầm nhập khẩu đang có giá bán rẻ hơn so với thịt sản xuất tại Pháp và không cần phải tuân thủ các quy định khắt khe về sản xuất như gia cầm nội.

 

Gian nan giữ thị phần

Theo ANVOL, các công ty gia cầm nội địa vẫn đang nỗ lực tăng nguồn cung và mong muốn các hãng gia cầm xuất khẩu vào thị trường Pháp tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc mà nhà sản xuất tại Pháp đang áp dụng.

Hiệp hội cũng đang kêu gọi EU ngừng ký kết các hiệp định thương mại mới có thể làm tăng hạn ngạch nhập khẩu gia cầm vào Pháp. ANVOL cũng đưa ra đề xuất về yêu cầu bắt buộc dán nhãn xuất xứ đối với gia cầm nhập khẩu. Theo kết quả khảo sát của ANVOL, 9 trong số 10 người tiêu dùng tại Pháp bày tỏ sự yêu thích đối với gia cầm sản xuất trong nước và Hiệp hội đang kêu gọi bắt buộc sử dụng logo xuất xứ Volailles Françaises trong các nhà hàng và trên bao bì sản phẩm thịt gia cầm hoặc sản phẩm làm từ thịt gia cầm.

Hiệp hội đề xuất chiến lược phát triển trang trại gia cầm và tạm dừng các quy định đang cản trở quá trình hiện đại hóa ngành gia cầm trong nước. Về thương mại, ANVOL đang kêu gọi EU áp dụng các điều khoản tương đương để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu được sản xuất theo tiêu chuẩn tương tự các sản phẩm sản xuất ở châu Âu. ANVOL cảnh báo Chính phủ Pháp không ký thỏa thuận mới với Mercosur và Chilê để ngăn chặn gia cầm không tuân thủ quy định của châu Âu tràn vào thị trường.

Pháp là nước sản xuất gia cầm lớn thứ 2 của châu Âu, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng của toàn khối. Cùng đó, quốc gia này cũng dẫn đầu EU về tiêu thụ thịt gia cầm. Tuy nhiên, sản xuất gia cầm lại giảm 10% vào năm 2022, khiến ngành gia cầm của Pháp tụt xuống vị trí thứ 4. Theo ANVOL, nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh bùng phát và áp lực liên tục từ hàng hóa nhập khẩu. Lượng tiêu thụ thịt gia cầm tại Pháp đang tiếp tục tăng, nhưng ANVOL cảnh báo rằng áp lực này sẽ khiến ngành gia cầm trong nước gặp nguy hiểm.

Mi Lan

(Theo Worlpoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *