Trăn trở với việc tìm cách giúp người dân trong ấp giảm chi phí trong chăn nuôi, anh Lâm Khải Dương 35 tuổi, ngụ ấp Tây Sơn 1, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) bước đầu thu được kết quả khả quan từ việc gây nuôi sâu canxi là ấu trùng của ruồi lính đen làm thức ăn cho thủy sản, gia cầm.
Cuối năm 2023, anh Lâm Khải Dương đọc một số tài liệu về chăn nuôi và biết đến mô hình nuôi sâu canxi là ấu trùng của ruồi lính đen có thể làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đa số các mô hình đều theo cách nuôi với phân bò, xác động vật chết, không phù hợp xu hướng sống xanh hiện nay.
Sau thời gian tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính, môi trường sinh sống của sâu canxi, anh Dương nuôi thử nghiệm thành công sâu canxi bằng hỗn hợp thức ăn chăn nuôi lên men vi sinh, với nguyên lý sử dụng vi sinh tạo môi trường có lợi cho ấu trùng phát triển, đồng thời, tạo ra lợi khuẩn giúp hỗ trợ đường ruột cho vật nuôi khi cho ăn bằng thức ăn là sâu canxi. Điểm mới ở mô hình của anh Dương là nuôi sâu canxi bằng thức ăn công nghiệp của gà, vịt có hàm lượng đạm từ 16 – 21%, ủ với các loại men vi sinh chủng bacillus.
Anh Lâm Khải Dương bên trại nuôi sâu canxi của gia đình.
Từ chỗ phải mua trứng ruồi lính đen từ các trại giống ngoài tỉnh về nuôi, đến nay anh Lâm Khải Dương tự nhân giống phục vụ cho trang trại gia đình. Quy mô trại nuôi tăng từ 50 m2 lên 650 m2 thời điểm hiện tại. Hiện trại cung ứng cho thị trường từ 200 – 250 kg sâu canxi thương phẩm, giá giao tận nơi từ 100kg trở lên là 25.000 đồng/kg. Khách hàng là các hộ nuôi gà, vịt, cá ở trong và ngoài huyện.
“Đặc biệt dùng sâu canxi cho tôm, cua ăn rất mau lớn và an toàn. Có nhiều khách hàng sử dụng sâu canxi nuôi tôm, cua ở huyện An Biên, Vĩnh Thuận và tỉnh Cà Mau, bước đầu cho kết quả khả quan, tôm, cua mau lớn”, anh Dương cho biết.
Anh Trương Định Tân, ngụ ấp Tây Sơn 3, xã Đông Yên hiện tại có 3 ha nuôi tôm càng xanh, tôm sú, cua. Khi thấy anh Dương có bán sâu canxi nuôi thức ăn ủ men vi sinh là loại thức ăn tươi sống có hàm lượng protein cao, anh Tân mua về cho tôm, cua ăn thử. “Sau lứa đầu tiên, tôi thấy tôm, cua mau lớn, rút ngắn được thời gian nuôi khoảng 10 ngày so với trước, chi phí đầu vào giảm, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Tân cho biết.
Hiện anh Tân thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp cho đàn gà gần trăm con và hàng trăm con cá các loại đang được nuôi tại trang trại của gia đình. Anh Tân so sánh, với giá thức ăn công nghiệp như hiện nay, anh tốn khoảng 50 triệu đồng tiền thức ăn công nghiệp cho tôm, cua từ khi nuôi đến khi xuất bán. Còn với cách nuôi từ sâu canxi bằng thức ăn ủ men vi sinh chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng tiền chi phí thức ăn.
Anh Lâm Khải Dương (bên trái) bên số trứng ruồi lính đen được bỏ vào keo và đưa đi phân phối các nơi.
Theo một số tài liệu về chăn nuôi, ruồi lính đen được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho các thức ăn cho một số vật nuôi. Thành phần dinh dưỡng trong ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng là 43 – 51% protein, 15 – 18% chất béo, 2,8 – 6,2% canxi, 1 – 1,2% phốt pho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, gà, vịt, cá, tôm, cua… Ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử tại Trường Đại học Cửu Long, anh Lâm Khải Dương từng có thời gian làm việc tại Viettel chi nhánh Long An. Do gia đình đơn chiếc, anh là con trai lớn nên anh quyết định trở về quê mở cửa hàng thức ăn chăn nuôi. Qua nhiều năm kinh doanh, anh Dương nhận thấy giá thức ăn liên tục tăng cao khiến nông dân gánh nặng chi phí sản xuất, nhiều hộ không có lãi, thậm chí thua lỗ vì chi phí thức ăn quá nhiều.
Trứng ruồi lính đen được ấp trong 5 ngày nở thành ấu trùng và được ra khay, sau đó tiếp tục nuôi 10 – 12 ngày nữa là có thể cho gà, vịt, tôm, cua ăn. Ấu trùng phát triển thành nhộng, mất từ 30 – 35 ngày để nhộng phát triển thành ruồi lính đen và cho sinh sản. Để ruồi lính đen sinh sản tập trung và dễ thu hoạch trứng, anh Dương dùng chất dẫn dụ có mùi để vào một cái khay, trong khay đặt nhiều thanh ván gỗ làm giá thể cho ruồi đẻ trứng. Xác ruồi chết tận dụng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Vỏ của nhộng và phân của ruồi lính đen cũng được tận dụng trồng rau, hoa kiểng. Đặc biệt phân của ấu trùng ruồi lính đen có thể tận dụng nuôi trùn quế, một loại trùn đất đùng làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, mô hình nuôi sâu canxi ấu trùng của ruồi lính đen được xem là mô hình khép kín, tận dụng hoàn toàn có phế phẩm.
Anh Dương nói: “Để giúp nhiều thanh niên có cùng đam mê phát triển kinh tế với mô hình sâu canxi, tôi đề xuất Xã đoàn Đông Yên hướng dẫn thành lập tổ hợp tác nuôi sâu canxi với số lượng thành viên ban đầu dự kiến 6 thanh niên”.
Bài và ảnh: An Lâm
Nguồn: Báo Kiên Giang