EU tăng cường kiểm soát đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam

Việc EU loại bỏ sản phẩm mì ăn liền khỏi danh sách kiểm tra tại cửa khẩu cho thấy khả năng tuân thủ tốt các quy định quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, EU vẫn tăng tần suất kiểm tra tại biên giới và yêu cầu giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với các sản phẩm như thanh long, ớt, đậu bắp và sầu riêng…

Theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, EU vừa ban hành quy định (EU) 2024/1662 ngày 11/6/2024 sửa đổi quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào Liên minh châu Âu, thực hiện quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu.

Quy định mới này của EU về việc tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Sản phẩm mì ăn liền (có chứa gói gia vị hoặc nước sốt) của Việt Nam bị tăng tần suất kiểm tra biên giới từ tháng 12/2021 do chứa etylen oxide (EO).

Tuy nhiên, kết quả kiểm soát và tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mì ăn liền đã khiến sản phẩm này được đưa ra khỏi danh sách tại Phụ lục I và không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.

EU kiểm tra sản phẩm nhập khẩu

Sản phẩm mì ăn liền đã được EU đưa ra khỏi danh sách tăng cường kiểm soát.

Đối với quả thanh long của Việt Nam, do còn có một số lô hàng vi phạm quy định (EU) 2019/1793, EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 30% và yêu cầu giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu.

Đối với quả ớt của Việt Nam, do còn có một số lô hàng vi phạm quy định (EU) 2019/1793, EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và yêu cầu giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu (chuyển từ Phụ lục I sang Phụ lục II).

Đối với đậu bắp của Việt Nam, do còn 02 lô hàng vi phạm quy định (EU) 2019/1793, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và yêu cầu giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu.

Đối với sầu riêng của Việt Nam, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 10%.

Ngoài ra, các quy định khác bao gồm sửa đổi các thông số kỹ thuật của Liên minh châu Âu đối với các chất phụ gia thực phẩm, thiết lập mức độ lây nhiễm chéo của các hoạt chất kháng khuẩn và các phương pháp phân tích trong thức ăn chăn nuôi, gia hạn cấp phép các chế phẩm làm phụ gia thức ăn cho các loài động vật, và thông qua mức dư lượng tối đa đối với một số hóa chất trong các sản phẩm.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng thông tin về một số thị trường khác. Tại thị trường Hoa Kỳ, có đề xuất dư lượng tồn dư của một số hóa chất trong các sản phẩm nhất định, đề xuất quy định về phụ gia màu, và chứng nhận phòng kiểm nghiệm phân tích thực phẩm (LAAF) để thử nghiệm về độc tố nấm mốc trong thực phẩm nhập khẩu.

Ở thị trường Nhật Bản, đề xuất giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc thú y và thuốc trừ sâu trong một số sản phẩm, thông qua pháp lệnh thực thi Đạo luật Bảo vệ thực vật và danh sách dịch hại không thuộc diện kiểm dịch.

Tại thị trường Bra-xin, có dự thảo nghị quyết đề xuất đưa một số hoạt chất vào danh sách chuyên khảo về các thành phần hoạt chất cho thuốc bảo vệ thực vật, và dự thảo quy định bắt buộc kiểm tra và giám sát đối với các sản phẩm dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Ở thị trường Nam Phi, có dự thảo quy định bắt buộc đối với cá đông lạnh, động vật thân mềm, cá xông khói ướp lạnh và các sản phẩm từ tôm đông lạnh, tôm càng đỏ Na Uy, cua, và bào ngư khô.

Thị trường Vương quốc Anh có đề xuất áp dụng mức dư lượng tối đa (MRL) đối với một số hóa chất trong các sản phẩm.

Thị trường Thái Lan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh do ấu trùng và bào xác Artemia gây ra, có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tôm.

Thị trường Hàn Quốc đề xuất sửa đổi quy định về khai báo và kiểm tra sản phẩm thực phẩm nhập khẩu.

Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các tổ chức, cá nhân có sản phẩm xuất khẩu liên quan đến các mặt hàng và thị trường nêu trên nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp.

Thùy Linh

Nguồn: vnbusiness.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *