(Người Chăn Nuôi) – Dự kiến, từ ngày 24/9 đến 17/10, đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành thanh tra mật ong của Việt Nam, nhằm đánh giá hoạt động kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với mặt hàng này có tuân thủ quy trình và đáp ứng các tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang EU hay không.
Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam sang EU vẫn còn khiêm tốn do thị trường này có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với chất lượng sản phẩm mật ong. Giai đoạn từ 2007 – 2013, EU không cho phép nhập khẩu mật ong Việt Nam do không đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ tháng 3/2013, EU mới cấp phép nhập khẩu trở lại cho mật ong Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu mật ong sang EU chưa đáng kể nhưng đang có dấu hiệu tăng (riêng năm 2015 là 80 tấn).
Sản phẩm mật ong Việt Nam vẫn chưa thực sự có thương hiệu trên thị trường EU. Ảnh: ST
Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam chia sẻ, Việt Nam xuất khẩu mật ong từ năm 1985. Từ đó đến nay, chúng ta đã qua 5 lần thanh tra của EU. Trong lần đánh giá mới đây nhất của EU, họ đã công nhận sản xuất mật ong của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của EU, điều này giúp cho ngành ong của Việt Nam từng bước phát triển.
Tuy nhiên, ông Tâm cũng thừa nhận thực tế, so với nhu cầu và yêu cầu của thị trường EU, cơ sở vật chất của chúng ta còn yếu và thiếu. Trước đây, khi EU sang thanh tra, họ yêu cầu giải thích cụ thể thuốc thú y trong nuôi ong, quan điểm của họ đó là không sử dụng bất cứ loại thuốc kháng sinh nào trong nuôi ong. Mặc dù họ có cho dư lượng, nhưng chỉ khuyến khích dùng axit hữu cơ. Bên cạnh đó, theo quy định của thế giới, đã cho ong ăn thì không được thu hoạch. Quy định của EU rất chặt chẽ về chất lượng mật ong. Mật ong xuất khẩu vào EU, nếu trộn của nước nào thì cần ghi rõ trên nhãn hiệu. Không chỉ quy định xuất xứ của nước trộn mà còn quy định rõ tỷ lệ.
Ngày 14/5/2024 vừa qua, Nghị viện và Hội đồng châu Âu ban hành chỉ thị sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm tại các chỉ thị của Hội đồng châu Âu ban hành trước đây nhằm thực hiện mục tiêu thỏa thuận xanh, chiến lược từ trang trại tới bàn ăn tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường, bền vững. Trong đó, các quy định điều chỉnh mới liên quan đến việc bổ sung ghi nhãn, xuất xứ mật ong, nhằm tăng khả năng nhận diện trong trường hợp phối trộn nhiều loại mật ong có xuất xứ, nuôi và thu hoạch từ các vùng có các loài thực vật khác nhau; Quy định ghi nhãn, nguồn gốc xuất xứ đối với các loại mật ong bao gói nhỏ dưới 30g. Các nước thành viên EU sẽ thông qua và công bố các nội dung điều chỉnh, sau đó quy định sẽ được áp dụng từ 14/6/2026.
Được biết, sau khi EU chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu mật ong vào thị trường này, hàng năm, Cục Thú y phải gửi báo cáo giám sát dư lượng mật ong năm trước và kế hoạch năm tiếp theo để EU đánh giá. Kết quả đánh giá đạt yêu cầu thì EU mới trả lời chính thức là Việt Nam có được tiếp tục xuất khẩu vào thị trường EU hay không.
Theo Công văn số 4415/TCHQ-GSQL về thủ tục hải quan đối với mật ong và các sản phẩm ong xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, khi làm thủ tục xuất khẩu mật ong và các sản phẩm từ ong sang thị trường EU, ngoài bộ hồ sơ phải nộp và xuất trình cho cơ quan Hải quan thì đơn vị xuất khẩu phải xuất trình thêm giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, trong đó có xác nhận hàm lượng Chloramphenicol theo đúng yêu cầu của khách hàng.
EU là thị trường lớn và có giá trị tham chiếu với nhiều thị trường khác. Do đó, kết quả thanh tra lần này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu ngành mật ong của nước ta. Các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi cần chuẩn bị tốt hồ sơ và giám sát chặt chẽ vùng nuôi để đảm bảo chất lượng.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)