(Người Chăn Nuôi) – Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới chìm sâu trong khủng hoảng suốt 2 năm khi chỉ số GDP toàn cầu giảm đến 4,5%. Tuy nhiên, ngành thương mại điện tử toàn cầu (E-commerce) lại có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.
Ước tính trong năm 2021 thế giới có đến 2,14 tỷ khách hàng trực tuyến. Con số trên đã khẳng định, ngành công nghiệp thương mại điện tử đang rất cạnh tranh và đầy tiềm năng. Trong ngành hàng protein động vật, những công cụ tùy chỉnh như “bữa ăn online” hay “đề xuất sản phẩm” đang giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian nhờ khả năng kết nối “trong nháy mắt” tới các hệ thống cửa hàng trực tuyến.
Ryan Draude, Giám đốc Giant Food cho biết, cách hiệu quả nhất để hãng bán lẻ thực phẩm xây dựng mối quan hệ với khách hàng đó là biến mua sắm thực phẩm thành những trải nghiệm cá nhân hóa được xây dựng dựa trên nhu cầu và sở thích. Hiện, Draude đang tập trung sử dụng chương trình thương mại điện tử của Giant Food là Giant Flexible Reward để cung cấp cá nhân hóa giá bán, đề xuất sản phẩm và phần thưởng cho những khách hàng trải nghiệm tại các chuỗi cửa hàng. Sau đó, Công ty có thể bổ sung công nghệ theo vùng để giúp khách hàng có khả năng báo hiệu sự hiện diện của họ trong các cửa hàng bằng điện thoại thông minh và nhận các khuyến mại dựa theo vùng.
Các chuyên gia cho biết, các chiến lược tùy chỉnh được xây dựng trên các chương trình khách hàng thân thiết như Công ty Giant Food đang vận hành có thể giữ chân khách hàng hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cần phải kiểm tra cẩn thận các lựa chọn và ưu tiên những lựa chọn giúp người mua dễ dàng tìm thấy sản phẩm ưa thích và cũng có thể khám phá các mặt hàng mới. Tùy chỉnh được đánh giá là một trong những xu hướng hứa hẹn sự thống trị của E-commerce trong ngành hàng protein động vật.
Aistin Alonzo, một chuyên gia về chăn nuôi tại Wattagnet cho hay, COVID-19 đã thay đổi vĩnh viễn thói quen mua sắm thực phẩm của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Tại Mỹ, sự tiện ích, nhanh chóng là tiêu chí hàng đầu mà người tiêu dùng đặt ra khi lựa chọn thực phẩm. Sau đại dịch, người tiêu dùng quý trọng thời gian và muốn giải phóng bớt sức lao động trong các gian bếp gia đình. E-commerce đã góp phần tăng doanh số cửa cửa hàng thực phẩm ở Mỹ trong năm 2020 khoảng 10%, cao hơn hẳn tỷ lệ 3 – 4% của các năm trước đó. E-commerce phổ biến tại Trung Quốc kể từ trước đại dịch. Sau đại dịch, E-commerce bùng nổ tại Trung Quốc và đạt trị giá hơn 2,8 nghìn tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó, thị trường thương mại của Mỹ dự kiến đạt 843 tỷ USD, gần bằng 1/3 Trung Quốc. Cả 2 quốc gia này đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 về mọi mặt. Tuy nhiên ngành E-commerce của Mỹ và Trung Quốc lại có mức tăng trưởng bền vững chưa từng có. Sự phát triển này đã chứng minh, E-commerce là một sân chơi tiềm năng và hứa hẹn thống trị thị trường của nhiều mặt hàng, trong đó có ngành hàng thực phẩm.
Dũng Nguyên
(Theo Grocerydive)