Ngày 13/8, nhà chức trách Đức cho biết số gia súc nhiễm virus gây bệnh lưỡi xanh tăng đột biến từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh người dân khắp châu Âu đang lo ngại về căn bệnh này ở gia súc.
Theo Viện Friedrich Loeffler – trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Đức về bệnh ở động vật, nước này ghi nhận 1.885 ổ dịch virus gây bệnh lưỡi xanh loại BTV-3 kể từ đầu năm nay. Trong cả năm 2023, con số này chỉ là 23 ổ dịch.
Một người phát ngôn của trung tâm trên cho biết từ đầu tháng 7, làn sóng lây nhiễm thực sự xảy ra tại một số trang trại nuôi động vật dễ mắc bệnh lưỡi xanh. Số động vật mắc bệnh tăng lên mỗi ngày và số ổ dịch bùng phát có thể vượt 2.000 đến ngày 15/8. Tuy nhiên, Viện Friedrich Loeffler chưa thể cung cấp số động vật chết do bệnh lưỡi xanh.
Virus BTV-3 bùng phát lần đầu tiên tại Đức là vào ngày 12/10/2023. Kể từ đó, một số ổ dịch khác xuất hiện tập trung tại miền Tây và miền Trung nước này như các bang Bắc Rhine-Westphalia, Rhineland-Palatinate, Hesse và Lower Saxony. Trong khi chờ giới chức Liên minh châu Âu cấp phép chính thức, Chính phủ Đức đã ban bố lệnh khẩn cấp nhằm tạm thời cấp phép cho 3 loại vaccine phòng BTV-3.
Từ tháng 10/2023, bệnh lưỡi xanh cũng xuất hiện tại một số nước khác như Hà Lan và Bỉ. Loại virus này gần đây cũng lây lan tại Pháp, khiến ngành chăn nuôi lo ngại.
Bệnh lưỡi xanh là bệnh lây qua côn trùng, ảnh hưởng đến các động vật nhai lại như bò và cừu, nhưng không ảnh hưởng đến lợn hoặc ngựa. Bệnh không không chỉ gây tỷ lệ chết cao ở cừu mà còn ảnh hưởng đến năng suất của gia súc, gây ra thiệt hại kinh tế lớn đối với các hộ chăn nuôi và đe dọa an ninh lương thực, thực phẩm.
Nguyễn Hằng
Nguồn: TTXVN