Từ nhiều năm nay, ngành chăn nuôi đóng góp không nhỏ vào phát triển KT-XH chung của TX Đông Triều, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn thị xã đạt trên 1 triệu con; trong đó đàn trâu, bò trên 3.300 con, đàn lợn gần 55.000 con, đàn gia cầm trên 950.000 con. Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh dẫn đến tổng đàn lợn và đàn gia cầm có biến động lớn, nhưng với tư duy và phương thức chăn nuôi có bước chuyển biến mạnh từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hàng hóa tập trung nên sản lượng thịt hơi tăng, do vậy, chất lượng, giá trị của lĩnh vực chăn nuôi tăng.
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Đặng Văn Nhương (phường Kim Sơn, TX Đông Triều).
Đông Triều xác định mô hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững không chỉ chuẩn hoá các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thiết kế chuồng trại mà còn đảm bảo khâu vận hành sản xuất, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp an toàn sinh học, thú y, phòng chống dịch bệnh, đồng thời đưa ra giải pháp hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi. Trong đó, khâu đầu tiên phải kể đến là công tác cung ứng, quản lý giống vật nuôi có sự chuyển biến tích cực. Các trại nuôi lợn đều chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ để kiểm soát đầu vào.
Song song với chuẩn bị giống, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được quan tâm, thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo quy định. Các hộ chăn nuôi lợn tại các xã, phường thực hiện tốt việc phun thuốc khử trùng tiêu độc được thực hiện định kỳ hàng tuần; kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, kiểm soát nguồn thức ăn để ngăn ngừa dịch lây lan từ bên ngoài vào chuồng trại. Đồng thời, tích cực chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vắc-xin đối với các bệnh do virus, tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan… Đến nay, đàn lợn đã khôi phục trên 80% tổng đàn so với trước khi phát sinh dịch tả lợn châu Phi.
Là một trong những hộ chăn nuôi có quy mô đàn lợn lớn nhất xã Việt Dân với 150 con lợn nái và gần 1.000 con lợn thịt, thời gian qua, anh Nguyễn Văn Duy, thôn Tân Thành, đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi khép kín, phòng chống dịch bệnh. Theo anh Duy, chăn nuôi lợn quy mô lớn nên gia đình anh đã chủ động từ con giống cho đến hệ thống chăn nuôi khép kín, tuân thủ đảm bảo các vấn đề khử trùng, tiêu độc, sát khuẩn chuồng trại để phòng bệnh dịch.
Còn gia đình ông Đặng Văn Nhương (phường Kim Sơn) hiện duy trì trên 300 con gà đẻ/năm; 150-200 con gà thịt/lứa, chia sẻ: Với kinh nghiệm gần 20 năm nuôi gà, vì vậy từ khâu chọn giống, thức ăn đã được gia đình tôi liên kết với các doanh nghiệp uy tín. Đồng thời việc khử khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin cho đàn được duy trì thường xuyên. Do vậy, đàn gà rất khỏe mạnh, ít khi mắc bệnh. Cùng với đó, gia đình cũng liên kết được đầu ra của sản phẩm trứng, thịt gà nên yên tâm sản xuất.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương và các hợp tác xã, hộ gia đình tập trung tìm giải pháp tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, như một số trang trại lợn tại xã Bình Khê, Tràng Lương, Thủy An liên kết với các Công ty CP Group, Greenfeed, Dabaco cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm; hộ chăn nuôi gia cầm 35.000 con/lứa ở xã Hồng Thái Đông phối hợp với Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, Đông Triều đưa khu giết mổ tập trung tại xã Hồng Thái Tây (2,4ha) vào hoạt động từ tháng 1/2019, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, siết chặt khâu cuối trong đầu ra chăn nuôi. Thị xã đang chờ UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai khu giết mổ tập trung tại phường Hồng Phong (5,68ha).
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, Đông Triều đang xây dựng kế hoạch triển khai vùng sản xuất an toàn VietGAP trong chăn nuôi trên địa bàn thị xã trong thời gian tới. Thị xã đặt mục tiêu, ngành chăn nuôi chiếm 48,3% cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Đồng thời, phấn đấu đạt và duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1,1 triệu con; trong đó đàn lợn trên 75.000 con, đàn gia cầm đạt trên 950.000 con.
Nguyễn Hoa