Đồng Nai: Ứng dụng công nghệ mới vào nuôi heo

Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của nước ta đặt ra mục tiêu phát triển ngành nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

Là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, các địa phương của Đồng Nai đang phát huy tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và gắn với phát triển các chuỗi giá trị.

* Xây dựng chuỗi chăn nuôi hiện đại

Bước vào hội nhập, ngành Chăn nuôi phải cạnh tranh bằng lợi thế sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng Nai có thế mạnh thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành Chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống đến xây dựng mạng lưới tiêu thụ. Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn…

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,3 triệu con, đàn gia cầm đạt trên 27 triệu con. Tỉnh xây dựng được 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện và 11 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã với bệnh cúm gia cầm, Newcastle. Toàn tỉnh có 654 trang trại được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

nuôi gà đồng nai

Trang trại nuôi gà xuất khẩu của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (TT.Long Thành, H.Long Thành). Ảnh: Bình Nguyên

Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, công nghiệp quy mô lớn đang được nhiều địa phương của tỉnh tập trung phát triển. Xuân Lộc là huyện thuần nông, vùng sâu, vùng xa xác định phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, quy mô hàng hóa lớn. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, địa phương thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi với quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành), Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ chia sẻ, các trang trại chăn nuôi tham gia HTX đều đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Xây dựng hệ thống chăn nuôi công nghệ cao bằng nhà lầu nhằm tiết kiệm diện tích mặt đất và gia tăng số lượng nuôi trên cùng diện tích đất. Trang trại được thiết kế cho ăn, uống nước tự động vừa góp phần kiểm soát, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan bệnh dịch, giảm được chi phí thức ăn chăn nuôi…

“HTX không chỉ tập hợp những người chăn nuôi giỏi mà còn có nhiều thành viên là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám… để chuỗi liên kết chăn nuôi đáp ứng tốt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính Nhật Bản” – ông Quyết nói.

 

* Tìm giải pháp cho chăn nuôi nông hộ

Trong giai đoạn hội nhập với định hướng của ngành Chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn nhưng chăn nuôi nông hộ vẫn có vai trò quan trọng, ngoài ý nghĩa dân sinh còn là chăn nuôi đặc sản phục vụ nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, để tồn tại, chăn nuôi nông hộ phải thay đổi cho phù hợp, đáp ứng thị trường, chăn nuôi an toàn, vào chuỗi liên kết…

Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ như: hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho các giống vật nuôi; hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm; trong xử lý chất thải; thực hiện đệm lót sinh học… với mục tiêu từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm.

Trong đó, chăn nuôi không ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là định hướng thu hút đầu tư của tỉnh với nhiều chương trình được triển khai như: nhân rộng mô hình trang trại, tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP; chăn nuôi hữu cơ; triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn…

Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) đang triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Mô hình chăn nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học, bên trên có hệ thống phun sương làm mát nên không gây mùi hôi, không chất thải, kiểm soát dịch bệnh tốt; heo được nghe nhạc thư giãn…

Ông Hồ Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho biết, mô hình chăn nuôi heo hữu cơ được triển khai phù hợp với chăn nuôi nông hộ theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nông dân tham gia được doanh nghiệp cung cấp giống heo nái hậu bị, thức ăn chăn nuôi, tập huấn kiến thức nuôi heo hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi sản xuất hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về quy trình, kỹ thuật… Đặc biệt, khi tham gia quy trình sản xuất này, nông dân sẽ làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất khi tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ hoặc tự trồng để giảm chi phí đầu vào. Chất thải trong chăn nuôi được xử lý thành phân bón sử dụng cho trồng trọt, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị gia tăng trong sản xuất.

Theo ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai, tỉnh rất chú trọng triển khai các đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn, nhất là theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Việc thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi sẽ giúp quản lý chăn nuôi thuận lợi hơn, đồng thời nâng giá trị cho thịt heo, gà của Đồng Nai và hướng đến xuất khẩu.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *