Đầu tháng 11 vừa qua, Sở Công thương Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan về việc thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, dự kiến nhiều kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống trong tỉnh sẽ được tăng cường, mở rộng hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, áp dụng quét mã QR để quản lý sản phẩm chăn nuôi từ trang trại, lò mổ đến các kênh phân phối, bán lẻ.
Người dân chọn mua các sản phẩm chăn nuôi tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Nhiều điểm mới trong truy xuất bằng mã QR
Theo đại diện các chợ, siêu thị trong tỉnh, Đồng Nai là địa phương vừa sản xuất, vừa tiêu thụ các sản phẩm thịt heo; thịt, trứng gia cầm rất lớn. Do đó, việc truy xuất nguồn gốc sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, sử dụng mã QR trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, phù hợp với xu thế của thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp, cụ thể, giúp người tiêu dùng dần tạo thói quen tiêu dùng mới, hiện đại. Bên cạnh đó, việc kết nối đầu ra, đảm bảo giá bán ổn định, phù hợp đối với các sản phẩm thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc này cần được tính toán hợp lý, hiệu quả.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y (Sở NN-PTNT) NGUYỄN TRƯỜNG GIANG chia sẻ, việc thực hiện đề án cần dựa trên những hệ thống, cơ sở quản lý, dữ liệu vốn có và vận dụng linh hoạt các công nghệ mới trong quá trình thực hiện, góp phần minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm đến người tiêu dùng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và địa phương liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý giết mổ lậu, nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt heo. |
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, siêu thị đã áp dụng việc truy xuất nguồn gốc các loại thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi trong nhiều năm nay. Việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, nhất là theo các công nghệ mới cần được tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới truy xuất nguồn gốc đến các kênh bán lẻ, nhất là các chợ truyền thống trong thời gian tới sẽ giúp việc triển khai đề án được đồng bộ hơn, thúc đẩy tiêu dùng thông minh, góp phần ổn định mặt bằng giá cả các sản phẩm chăn nuôi tại các kênh bán lẻ.
TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, Chủ tịch Te-food International – đơn vị tư vấn, triển khai chương trình Te-food (phần mềm truy xuất nguồn gốc, quản lý chăn nuôi) bằng công nghệ blockchain tại Đồng Nai cho biết, sắp tới Te-food sẽ cập nhật nhiều tính năng mới cho hệ thống quản lý truy xuất chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt heo trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, sẽ thêm các tính năng quản lý thương nhân kinh doanh heo sống, quản lý truy xuất nguồn gốc đến các bếp ăn tập thể, nhà hàng… thông qua mã QR, giúp ban quản lý chợ truyền thống kiểm soát hằng ngày đối với sản phẩm thịt heo…
Thí điểm truy xuất theo hướng công nghệ cao tại chợ bán lẻ
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các kênh bán lẻ hiện đại, các cơ sở kinh doanh tăng cường triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi, hướng tới nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Sở và các địa phương liên quan dự kiến sẽ thí điểm dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật tại một số sạp bán lẻ thịt heo ở các chợ: Phương Lâm (H.Tân Phú), Long Thành (H.Long Thành), Hóa An (TP.Biên Hòa) và Bảo Hòa (H.Xuân Lộc).
Ông Trần Duy Dụ, đại diện Ban Quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành) cho hay, trong thời gian tới, chợ sẽ chủ động kết hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo theo hướng công nghệ cao. Trong đó, chợ sẽ vận động các tiểu thương áp dụng thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó sẽ xây dựng phương án mở rộng đề án theo lộ trình phù hợp.
Đại diện Phòng Kinh tế và hạ tầng H.Thống Nhất nêu ý kiến, đề án này rất cần thiết trong tình hình hiện nay, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm là đội ngũ nhân sự về quản lý, vận hành, kiểm tra, hậu kiểm đối với đề án, nhất là đối với các huyện. Hơn thế nữa, để đề án triển khai đạt hiệu quả, các chợ bán lẻ cần chủ động, trách nhiệm hơn trong quá trình quản lý truy xuất. Đặc biệt, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, đảm bảo các khâu quản lý, truy xuất và tiêu thụ sản phẩm được vận hành đồng bộ.
Lam Phương
Nguồn: Báo Đồng Nai