Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều mặt hàng chăn nuôi luôn ở dưới giá thành sản xuất vì cung lớn hơn cầu. Trong đó, thị trường xuất khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khi nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn tăng mạnh.
Cần giải pháp đồng bộ để có đầu ra bền vững cho ngành chăn nuôi bằng cách phát triển thị trường nội địa, tăng xuất khẩu và kiểm soát thịt nhập khẩu.
Yếu thế ngay trên sân nhà
Vài tháng trở lại đây, giá các loại thịt gia cầm thường ở mức thấp hơn so với giá thành sản xuất. Heo hơi sau đợt “sốt giá” hồi tháng 7 cũng liên tục trồi sụt và hiện đang theo chiều hướng ngày càng “hạ nhiệt”. Hiện đang vào mùa sản xuất, chế biến cho Tết Nguyên đán, thời điểm thị trường “nóng” nhất trong năm, heo hơi lại có đợt giảm giá mới, chỉ còn dao động từ 52 – 55 ngàn đồng/kg, mức giá hầu như người chăn nuôi chưa có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nếu tỷ lệ hao hụt cao vì dịch bệnh.
Một cơ sở giết mổ gia súc tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên
Đồng Nai thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống đến xây dựng mạng lưới tiêu thụ… Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn. Đến nay, Đồng Nai đã hình thành được 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với sự tham gia của 15 HTX và 252 tổ hợp tác. |
Trong tình hình ngành chăn nuôi gặp khó khăn vì nguồn cung dồi dào, giá thấp nhưng nhập khẩu thịt vẫn lớn. Tại diễn đàn trực tuyến Kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 8-12, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cho biết, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam chi hơn 1,4 tỷ USD nhập khẩu gần 635 ngàn tấn thịt các loại. Trong khi đó, xuất khẩu thịt các loại chỉ thu về trên 64 triệu USD.
Ngành chăn nuôi chủ yếu sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp. Tuy nhiên tại thị trường trong nước, đa số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu vẫn bán cho thương lái, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn thiếu và yếu là nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn nhiều rủi ro.
Ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) cho hay, chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ có sự khác nhau giữa các hình thức. Cụ thể, chỉ với riêng sản phẩm gia cầm, thịt gia cầm chiếm tỷ lệ khoảng 86%, trứng gia cầm 74% với mô hình không liên kết; còn lại là mô hình có liên kết và hợp nhất chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Tổ chức tốt hơn khâu phân phối
Đưa ra giải pháp góp phần gỡ khó cho ngành chăn nuôi, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam đề xuất, trước mắt cần giảm nhập khẩu thịt gia cầm đông lạnh, nhất là khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu khi nguồn cung trong nước đang dồi dào. Thị trường bán lẻ trong nước, nhất là các siêu thị cần giảm giá bán lẻ để kích cầu sức mua; tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị.
Về lâu dài, cần kiểm tra rà soát, đánh giá thực trạng kênh phân phối để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, người chăn nuôi. Cân nhắc thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn và có giải pháp xuất khẩu thịt đối với các dự án chăn nuôi lớn.
So sánh giá sản phẩm gia cầm tiêu thụ trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9% so với vào chuỗi, ông Vũ Cường cho rằng, ngành chăn nuôi cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất; cần thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất phải dựa theo nhu cầu thị trường và hợp đồng liên kết. Trên cơ sở đó, cần xây dựng các chuỗi liên kết đủ năng lực hướng tới thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và thúc đẩy thị hiếu tiêu thụ…
Góp ý về góc độ đầu tư cho chăn nuôi, ông Tống Quang Minh, Phó trưởng đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm phía Nam chỉ ra, hiện nay, tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên phát triển chăn nuôi ở ngoại thành sẽ phải di dời. Vì vậy, để phát triển chăn nuôi bền vững thì địa phương cần phải có quy hoạch, với tầm nhìn dài hơi.
Về góc độ người đầu tư chăn nuôi, các trang trại phải đảm bảo an toàn sinh học và cần có chính sách liên kết chuỗi chăn nuôi, từ nhà sản xuất con giống, thức ăn, đến chăn nuôi, chế biến giết mổ và tiêu thụ. Người chăn nuôi và các đơn vị cung ứng dịch vụ cần có hợp đồng, chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro.
Bình Nguyên
Nguồn: Báo Đồng Nai
Giám đốc kinh doanh Công ty Alibaba Việt Nam LÊ THỊ KIM NGÂN: Alibaba sẽ tập huấn cho doanh nghiệp tham gia sàn thương mại
Alibaba là sàn điện tử mua bán sỉ lớn nhất thế giới. Hiện Alibaba có 40 triệu khách hàng mua bán thường xuyên thuộc 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Alibaba cung cấp tính năng xác thực từ bên thứ 3; hệ thống quan hệ khách hàng CRM; gian hàng quốc tế trưng bày các sản phẩm không giới hạn, quản trị từ khóa Marketing thông minh, RFQ – trả lời yêu cầu báo giá; hệ thống quản lý phân tích dữ liệu; tự động chuyển đổi ngôn ngữ, kệ trưng bày sản phẩm.
Việt Nam là thị trường mới nổi nên có rất nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm. Cụ thể, tháng 11 vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn Việt Nam tham gia kết nối tiêu thụ nông sản xuyên biên giới. Alibaba sẽ tập huấn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bán hàng qua kênh thương mại điện tử Alibaba và giúp các địa phương hướng tới thương mại công bằng, nâng cao năng lực quản lý thị trường nông sản cho các chủ thể tham gia sản xuất.
Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản: Sẽ kiến nghị hạn chế nhập khẩu thịt
Qua ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia diễn đàn Kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ, chúng tôi thống nhất, từ nay đến Tết cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường. Ngoài ra, cần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng tiêu thụ trong dịp Tết, đặc biệt là TP.HCM, một thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước.
Đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan có nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ NN-PTNT không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn… Đồng thời, làm sao tăng năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp. Chúng ta cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi và phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, các chủ thể để tăng chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu.
Cần nâng cao năng lực thị trường cho các HTX, người nông dân. Có thể thấy việc thiết lập không gian bán hàng trên mạng tại khu vực Đông Nam bộ còn khiêm tốn. Nền tảng thương mại điện tử sẽ là cơ hội mở ra giúp các doanh nghiệp, HTX đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh. Mong muốn các doanh nghiệp tập trung tham gia, xây dựng hạ tầng sàn thương mại điện tử. Tới đây, Cục sẽ phối hợp Alibaba và nhiều nền tảng điện tử khác tổ chức các diễn đàn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người sản xuất, các HTX, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, nâng cao năng lực kinh doanh…
Lê Quyên (ghi)