Đổi mới phát triển kinh tế trang trại tại Hà Nội

Kinh tế trang trại được xem là thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội. Mặc dù vậy, để phát triển bền vững khu vực kinh tế này, cần thêm nhiều hơn những sự thay đổi, bao gồm cả định hướng chính sách.

Hai thái cực phát triển

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các trang trại trên địa bàn Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) vẫn “sống khoẻ”. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà thịt. Giá bán cao hơn so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống. Thậm chí có thời điểm trang trại không có gà để bán.

trang trại nuôi heo

Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng.

Từ khi bắt tay vào phát triển trang trại, chị Thoan và gia đình hướng đến quy trình sản xuất sạch bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường chuồng nuôi. Xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm thịt gà được giết mổ, đóng gói, hút chân không, được gắn tem nhãn. Khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đánh giá được chất lượng sản phẩm.

Cùng với việc liên kết với một số hộ chăn nuôi trên địa bàn để bổ sung nguồn cung thịt gà, chị Thoan còn “bắt tay” với một số đơn vị phân phối nông sản để đưa vào trường học, siêu thị, hệ thống bán lẻ. Nhờ đó, đầu ra cho gà thịt được đảm bảo dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chưa được may mắn như vậy, anh Nguyễn Văn Trung – Chủ một trang trại nuôi đà điểu ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) lại đang phải tạm đóng cửa hàng kinh doanh. Hiện, gia đình anh vẫn duy trì chăn thả hơn 100 con đà điểu. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm từ đà điểu như thịt, trứng, lông, da… hết sức khó khăn.

“Dịch bệnh khiến giá cám bã tăng cao. Thị trường đầu ra không có vì giãn cách xã hội. Nguồn thu từ việc xuất khẩu tiểu ngạch lông và da đà điểu sang Trung Quốc cũng không thể thực hiện được…” – anh Trung cho biết. Hiện, gia đình anh cũng chưa ký kết được hợp đồng liên kết để đưa thịt và trứng đà điểu vào hệ thống bán lẻ, mà nguyên nhân một phần đến từ việc trang trại chưa có sản phẩm giết mổ, sơ chế, đóng gói. 

 

Chuyên nghiệp hoá chuỗi giá trị

Hình ảnh tương phản từ hai trang trại của gia đình chị Thoan và anh Trung cho thấy những giá trị lớn từ việc chuyên nghiệp hoá sản xuất, tiêu thụ. Ở đó, liên kết chuỗi đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định chăn nuôi. 

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, toàn TP hiện có 1.558 trang trại. Việc phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn.

Dù mang lại những giá trị lớn, tuy nhiên, việc phát triển trang trại cũng đòi hỏi những thay đổi để thích ứng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho rằng, để khuyến khích phát triển trang trại, các cấp ban ngành cần có chính sách cho vay ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, khuyến nông… Tiếp tục tạo điều kiện tích tụ tư liệu sản xuất (đất đai) để phát triển những trang trại tập trung, xa khu dân cư. Đặc biệt là hỗ trợ liên kết để bao tiêu hàng hoá, nông sản cho người dân.

Nhấn mạnh kinh tế trang trại là thành tố quan trọng trong phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong định hướng phát triển trang trại, TP chú trọng nhân rộng những trang trại ứng dụng công nghệ cao. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ tập trung hình thành và phát triển những trại giống quy mô lớn để cung ứng cho các tỉnh, TP.

Bên cạnh khuyến khích phát triển những trang trại tập trung, xa khu dân cư, TP cũng sẽ đẩy mạnh lĩnh vực giết mổ, sơ chế, chế biến, đóng gói. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành phát triển chuỗi liên kết từ nông trại đến bàn ăn, tiến tới chuyên nghiệp hoá chuỗi giá trị sản phẩm trang trại tại Hà Nội.

Trọng Tùng

Nguồn: Kinh tế Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *