Các vấn đề liên quan đến nợ nần, chi phí lãi vay, áp lực cạnh tranh gay gắt, biến động thị trường, giá thành chăn nuôi cao… tiếp tục là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp chăn nuôi trong việc tìm kiếm lợi nhuận cho năm 2024.
Mới đây, trước áp lực nợ nần, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, công ty có sản phẩm heo ăn chuối này sẽ không còn là công ty liên kết của HAGL.
Còn đó áp lực nợ nần
Cần nhắc lại, thông tin hồi tháng 8/2023 cho thấy hệ thống phân phối Bapi của HAGL không đủ sức cạnh tranh, trong khi thực tế rất khốc liệt. Như hồi năm 2022 Bapi đã mở gần 200 cửa hàng nhưng hệ thống này không đạt yêu cầu, ghi nhận lỗ. Vì vậy, HAGL đã giảm số lượng cửa hàng xuống chỉ còn 52 cửa hàng, siêu thị.
Thị trường tiêu dùng thịt còn không ít biến động, cạnh tranh gay gắt đã phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN chăn nuôi.
Nhìn lại thời gian qua sẽ thấy không ít doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi đã gặp không ít khó khăn do vấn đề về thị trường, cạnh tranh gay gắt, áp lực nợ nần, chi phí lãi vay như các công ty chăn nuôi trong hệ sinh thái của HAGL. Có những DN đã phải rơi vào tình cảnh chi phí lãi vay tăng hàng chục lần do các khoản vay ngắn hạn nhằm đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi mới.Ngoài vấn đề tại công ty heo ăn chuối, trong tháng 12/2023, một công ty con khác của HAGL là CTCP Chăn nuôi Gia Lai đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trung hạn hơn 163 tỷ đồng) cho phía ngân hàng để tất toán các khoản vay từ năm 2014. Thực tế cho thấy HAGL đã bắt đầu thâm nhập sâu hơn vào ngành sản xuất thịt bằng việc tung ra sản phẩm “Heo ăn chuối”, thế nhưng lợi nhuận ròng của họ đã giảm mạnh do chi phí lãi vay tăng cao.
Như trường hợp CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF), việc đầu tư cho các dự án trang trại mới dẫn đến tổng nợ vay cao hơn. Dữ liệu hồi tháng 9/2023 cho thấy, tổng nợ phải trả của BAF hơn 4.790 tỷ đồng, tăng 37,6% so với đầu năm nay, trong đó nợ phải trả ngắn hạn chiếm tới gần 67%.
Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VDSC, việc sử dụng nợ vay đề tài trợ cho quá trình mở rộng quy mô đàn heo sẽ ảnh hưởng tới “sức khỏe tài chính” của BAF. Theo đó, nếu như cuối năm 2021, quy mô nợ vay của BAF chỉ là 163 tỷ đồng thì tới hết quý 3/2023, giá trị nợ vay đã tăng gần 11 lần lên 1.777 tỷ đồng. Với kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo mạnh mẽ, quy mô nợ vay của BAF sẽ tiếp tục tăng cao trong hai năm tới.
Tuy vậy, DN này được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ mở rộng quy mô đàn lợn với các trang trại mới và mở rộng hệ thống phân phối thông qua chuỗi siêu thị Siba Food và cửa hàng bán lẻ Meat shop. Đơn cử như vào cuối quý 3/2024, sản lượng thịt heo bán ra của BAF tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao khi đàn heo tại trang trại mới ở Tây Ninh (dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 2/2024) tiếp tục đến giai đoạn ghi nhận doanh thu.
Trong 2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng doanh thu của BAF tăng 7,4% so với năm 2023 nhờ doanh thu mảng 3F (quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi tới quá trình nuôi ở các trang trại và chế biến thực phẩm) tăng 24,8% so với năm 2023.
Phải giải cho được bài toán giá thành
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của BAF cũng được dự phóng tăng 0,5 điểm% trong năm 2024 nhờ tỷ trọng đóng góp cao hơn từ mảng 3F vào lợi nhuận gộp tổng của BAF. Do đó, lợi nhuận ròng của BAF được dự phóng sẽ tăng 15,9% trong năm 2024.
Còn trong báo cáo ngành chăn nuôi heo từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS cho rằng triển vọng sẽ tích cực hơn trong năm 2024. Do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt heo có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 1/2024.
Hiện tại, nhu cầu về thịt heo vẫn tăng nhưng biến động không rõ ràng. Giá thịt heo được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn ở khoảng đầu năm 2024 nếu lạm phát hạ nhiệt và nhu cầu thịt heo được cải thiện rõ rệt hơn.
Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các DN vẫn khá ổn định. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của thị trường từ nay đến Tết.
Theo giới chuyên gia, áp lực cạnh tranh trên thị trường cung cấp thịt heo vẫn ngày càng “nóng dần”, trong khi các DN chăn nuôi heo đang chịu nhiều khó khăn, thách thức.
Nhất là nhu cầu thực phẩm của người dân giảm nhẹ so với trước đây do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Sức tiêu thụ thực phẩm của các khu công nghiệp giảm mạnh do nhiều công ty giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn đặt hàng.
Trong khi đó, nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc từ 80 – 90% vào nguyên liệu nhập khẩu. Cho nên, ngay cả các DN chăn nuôi theo mô hình 3F cũng bị ảnh hưởng tiêu cực của đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay giá thành sản xuất của các DN chăn nuôi quy mô lớn dao động 48.000 – 55.000 đồng/kg. Điều này có nghĩa là các DN đang kinh doanh dưới giá vốn trong thời điểm hiện tại. Nhất là các DN chăn nuôi nhỏ có dấu hiệu hụt hơi vì kinh doanh dưới giá thành, trong khi các DN lớn cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sâu.
Tuy vậy, với những DN chăn nuôi theo mô hình 3F hoạt động theo chuỗi khép kín thì vẫn có thể giảm được phần nào giá thành sản xuất. Chẳng hạn như giá thành chăn nuôi của BAF hiện nay được cho là vào khoảng 44.800 đồng/kg, thấp hơn so với giá thành chung của thị trường là 48.500 đồng/kg.
Xét về cơ cấu chi phí nuôi heo, thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất và thường dao động trong khoảng 50 – 70% giá thành nuôi heo. Trong đó, ngô và đậu tương là hai thành phần chính, chiếm 60% và 10% trong công thức sản xuất cám.
Trong khi đó, về vấn đề kiểm soát giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thì hiện nay các DN thức ăn chăn nuôi vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu đầu vào.
Kết quả khảo sát mới đây của Vietnam Report đã chỉ ra 66,7% DN được hỏi đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa trong việc tổ chức và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và 57,1% DN được hỏi đề xuất tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để đảm bảo kiểm soát được chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay.
Nói chung, trong việc tìm kiếm lợi nhuận của các DN chăn nuôi trong năm 2024 thì điều quan trọng mà họ cần phải giải quyết là các vấn đề liên quan đến nợ nần, chi phí lãi vay, cạnh tranh, chuyển biến thị trường. Bên cạnh đó, họ cần nỗ lực để giải cho được bài toán giá thành với sự hỗ trợ từ việc giảm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thế Vinh
Nguồn: Vnbusiness