Cuối năm là giai đoạn nước rút quan trọng với ngành chăn nuôi Việt Nam. Khi các dịp lễ, Tết tới gần cũng là lúc nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước tăng cao. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương của Mỹ, nhà cung cấp đậu tương lớn thứ 2 cho Việt Nam, lại sụt giảm trong năm nay. Vậy điều đó sẽ gây khó khăn như thế nào cho kế hoạch mua hàng cuối năm của các doanh nghiệp TĂCN?
Trong phiên giao dịch ngày 12/10, giá đậu tương niêm yết trên Sở Giao dịch Chicago (CBOT) tăng gần 14 USD/tấn do những dự báo tiêu cực về nguồn cung đậu tương từ Mỹ. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định giá đậu tương CBOT đang bước vào xu hướng tăng mới, sau khi liên tục suy yếu kể từ cuối tháng 8.
Nguồn cung đậu tương Mỹ tiếp tục bị co hẹp do hạn hán
Trong báo cáo ước tính cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 10, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng đậu tương năm 2023 của nước này xuống còn 111,7 triệu tấn, từ mức 112,8 triệu tấn hồi tháng trước. Đây là cũng là lần thứ 4 liên tiếp USDA cắt giảm dự báo chỉ tiêu này do những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết lên mùa màng.
Tháng 8 và tháng 9 là giai đoạn phát triển năng suất quan trọng của vụ đậu tương tại Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn trên khắp các vùng trồng đậu tương trọng điểm trong giai đoạn này đã làm giảm năng suất tiềm năng của cây trồng, buộc USDA phải hạ dự báo sản lượng.
Việc sản lượng giảm trong khi tồn kho ở mức thấp đã khiến nguồn cung đậu tương phân bổ cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ trong niên vụ 23/24 (tháng 9/2023 – 8/2024) bị thu hẹp đáng kể. Trong báo cáo WASDE tháng 10, USDA dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ sẽ đạt 47,8 triệu tấn, giảm so với mức 48,7 triệu tấn ước tính tháng 9.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Mỹ là nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai toàn cầu. Cho nên, ngay sau báo cáo WASDE tháng này được công bố, thị trường nông sản đã lập tức dấy lên lo ngại về việc nguồn cung đậu tương giàu protein từ Mỹ sẽ khan hiếm trong giai đoạn tới. Đây là yếu tố chính đẩy giá đậu tương CBOT tăng vọt”.
Các nguồn cung tiềm năng thay thế cho đậu tương Mỹ
Có thể nói rằng Mỹ không phải nhà cung cấp duy nhất trên thị trường đậu tương toàn cầu. Các quốc gia Nam Mỹ như Brazil và Argentina cũng đóng vai trò chủ đạo khi lần lượt chiếm vị trí thứ nhất và thứ 4 trong danh sách các nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Trong khi sản lượng đậu tương năm nay của Mỹ dự kiến tiếp tục giảm do hạn hán, thì triển vọng mùa vụ tại cả 2 quốc gia Nam Mỹ nói trên đều rất tích cực.
Tại Brazil, Chính phủ nước này dự báo sản lượng đậu tương năm 2023 sẽ đạt kỷ lục trong năm thứ 3 liên tiếp, lên tới hơn 160 triệu tấn, nhờ diện tích canh tác được mở rộng và năng suất dự kiến cao. Trong nhiều năm trở lại đây, nông dân Brazil liên tục đẩy mạnh việc trồng đậu tương do đây là loại nông sản có tính thanh khoản cao trên thị trường xuất khẩu và đem lại lợi nhuận hấp dẫn.
Trong khi đó ở Argentina, vụ đậu tương năm nay được đánh giá sẽ hồi phục trở lại do thời tiết thuận lợi hơn sau khi bị tàn phá bởi đợt hạn hán lịch sử năm 2022. Chính phủ Argentina dự báo nước này có thể thu hoạch khoảng 48 triệu tấn đậu tương trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Không chỉ tăng về sản lượng, nguồn cung đậu tương từ Nam Mỹ cũng dần khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường toàn cầu nhờ sự cải thiện về hàm lượng protein. Do đó, nguồn cung đậu tương từ Brazil và Argentina sẽ là sự lựa chọn thay thế tiềm năng cả về khối lượng cũng như chất lượng, bù đắp cho sự thiếu hụt từ Mỹ.
Nguồn đậu tương Brazil có thể là ‘gợi ý’ hay cho kế hoạch mua hàng
Trong nhiều năm trở lại đây, Mỹ luôn giữ vững vị trí là nhà cung cấp đậu tương lớn thứ 2 của Việt Nam. Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm nay nước ta nhập khẩu 521.360 đậu tương từ Mỹ, chiếm 35,43% lượng đậu tương đến Việt Nam trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nguồn cung bị thu hẹp nên giá đậu tương Mỹ đã tăng đột biến. Điều này tác động trở lại chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô, vốn chiếm phần lớn chi phí sản xuất của các doanh nghiệp TĂCN Việt Nam.
Bên cạnh đó phải kể đến những tắc nghẽn về hậu cần ở một số tuyến đường thủy nội địa của Mỹ thời gian gần đây khiến thời gian giao hàng dự kiến bị chậm lại. Đây là những tuyến đường quan trọng kết nối giữa các vùng sản xuất với các cảng xuất khẩu.
Làm thế nào để tìm được nguồn cung ứng ổn định để thay thế, nhất là trong việc nhập khẩu nguyên liệu với chi phí cạnh tranh hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro đang là chiến lược ưu tiên cho tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp các tháng cuối năm.
Do đó, những vấn đề đã phân tích ở thị trường Mỹ đang đặt ra những thách thức lớn hơn cho các doanh nghiệp TĂCN trong việc cân nhắc kế hoạch thu mua nguyên liệu thô cho giai đoạn sản xuất nước rút.
“Theo tôi, trước mắt, đậu tương từ Brazil sẽ là sự lựa chọn thay thế phù hợp cho nguồn cung thiếu hụt từ Mỹ nhờ sản lượng ổn định, giá tương đối cạnh tranh. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu có thể tăng cao trong giai đoạn sản xuất cuối năm, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm kiếm các nguồn cung mới để da dạng nguồn cung ứng trong kế hoạch mua hàng”, ông Phạm Quang Anh nhận định.
Brazil vốn là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Hơn nữa, chất lượng nguồn nguyên liệu, nhất hàm lượng protein trong đậu tương Brazil ngày càng có sự cải thiện rõ rệt. Thêm vào đó, sản lượng kỷ lục trong 3 năm liên tiếp cũng sẽ giúp giá đậu tương Brazil thấp hơn so với các nguồn cung khác. Theo MXV, đây có thể là một “gợi ý” phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất TĂCN đang mong muốn đi tìm lời giải cho bài toán chi phí.
Nguồn: Báo Chính Phủ