Hơn 1 tháng nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát tại một số xã thuộc khu vực lòng chảo huyện Điện Biên gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng. Ngăn chặn dịch lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại, huyện Điện Biên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã và người chăn nuôi triển khai thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch.
Người chăn nuôi thiệt hại nặng
Ngày 20/4, tại thôn Thanh Bình B, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) phát hiện hộ chăn nuôi đầu tiên có lợn chết vì DTLCP. Sau hơn 1 tháng, dịch bệnh đã lây lan ra 10/18 thôn, bản với 23 hộ dân có lợn chết vì dịch. Tính đến ngày 28/5, toàn xã Thanh Luông có 58 con lợn chết, bị tiêu hủy (gồm 38 lợn thịt và 20 con lợn nái sinh sản). Tổng trọng lượng lợn tiêu hủy trên 4 tấn. Dự ước, các hộ chăn nuôi thiệt hại trên 400 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Thành Trung, ở bản Lé là một trong những hộ phát hiện và tiêu hủy lợn vì DTLCP đầu tiên với số lượng lớn nhất xã. Nhìn chuồng nuôi trống trơn, anh Trung xót xa nói: “Hơn 1 tháng trước, đàn lợn 30 con còn khỏe mạnh. Đầu tháng 5, tôi đã xuất bán được 16 con, còn 14 con dự kiến xuất chuồng vào cuối tháng. Đến ngày 18/5, đàn lợn bắt đầu bỏ ăn, có biểu hiện nổi mụn đỏ toàn thân, sau vài hôm thì chết. Ngay sau đó, tôi đã báo cáo chính quyền xã, thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn chuồng trại và tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Cứ nghĩ dịch đã ổn định, ai ngờ lại tái phát; bao nhiêu vốn liếng đổ sông, đổ bể. Đợt dịch này tôi thiệt hại khoảng 50 triệu đồng”.
Nhiều đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng bị mắc bệnh, chết gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi
Tương tự, gia đình ông Vũ Văn Trung, thôn Thanh Bình A vừa tiến hành tiêu hủy 10 con lợn thịt với tổng trọng lượng trên 1 tấn. Theo chia sẻ của ông Trung, từ năm 2019 đến nay, năm nào đàn lợn của gia đình cũng bị nhiễm DTLCP rồi chết. Năm 2020 – 2021, toàn bộ vốn liếng chăn nuôi bị tiêu hủy theo đàn lợn. Sau đó, ông Trung nghỉ chăn nuôi 1 năm, đến năm 2023 bắt đầu tái đàn. Những tưởng dịch bệnh đã được kiểm soát, ổn định, ai ngờ năm nay đàn lợn tiếp tục thiệt hại vì DTLCP. Với giá thịt lợn thị trường hiện nay khoảng 70.000 – 75.000 đồng/kg, gia đình ông Trung thiệt hại hơn 70 triệu đồng.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên, DTLCP tái xuất hiện đầu tiên tại xã Thanh Luông từ ngày 20/4. Sau đó, dịch bệnh có diễn biến phức tạp và lây lan sang các xã: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương. Đến hết ngày 28/5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 35 hộ chăn nuôi, thuộc 17 thôn, đội, bản của 4 xã. Số lợn bị chết và tiêu hủy là 94 con với tổng trọng lượng 6.839kg, trong đó đa phần là lợn nái sinh sản và lợn thịt.
Khẩn trương ngăn chặn dịch
Ngay khi nhận thông tin tại thôn Thanh Bình B, xã Thanh Luông có lợn mắc bệnh và chết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên đã cử cán bộ đến hộ chăn nuôi kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm. Sau khi mẫu phẩm cho kết quả dương tính với DTLCP, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Thanh Luông xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh và triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại vùng dịch và các vùng đệm.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên, nguyên nhân tái phát DTLCP là do thời tiết từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, ý thức phòng bệnh cho đàn vật nuôi của người dân chưa cao, mầm bệnh của những năm trước còn tồn tại trong môi trường…
Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Huyện đã chỉ đạo đối với vùng có dịch, chính quyền xã, thú y cơ sở và người dân tổ chức tiêu hủy lợn chết do nhiễm bệnh; theo dõi diễn biến dịch bệnh để khoanh vùng dịch, vùng đệm nhằm áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Tổ chức kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn đã qua chế biến từ nơi có dịch ra ngoài. Đối với các vùng chưa có dịch, UBND xã chỉ đạo cán bộ thú y tuyên truyền các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng nuôi, các phương tiện vận chuyển lợn, dụng cụ chăn nuôi… bằng vôi bột hoặc hóa chất.
Thời điểm này, xã Thanh Luông đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Tòng Văn Suôn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông cho biết: “UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn và các hộ chăn nuôi triển khai phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột trong và xung quanh khu vực chăn nuôi. Giám sát chặt chẽ ổ dịch, những bản có nguy cơ phát sinh dịch cao; tập trung nhân lực, vật lực khoanh vùng, dập dịch kịp thời ngay khi dịch còn trong diện hẹp. Tuyên truyền, vận động người dân không giết mổ, mua bán, vứt lợn mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh ra môi trường”.
Hơn 1 tháng nay, cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên luôn bám sát cơ sở, phối hợp cán bộ thú y xã triển khai các giải pháp phòng chống DTLCP.
Chị Quàng Thị Hoa, cán bộ Trung tâm cho biết: “Song song với việc tiêu hủy lợn chết, khoanh vùng dịch, chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường chăm sóc đàn lợn chưa mắc bệnh. Qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi”.
Từ ngày 18/5 đến nay, hộ chăn nuôi Nguyễn Thị Thủy, bản Hồng Thái, xã Thanh Hưng đã có 1 lợn nái và hơn chục lợn con chết vì DTLCP. Song nhờ sự hướng dẫn tận tình, kịp thời của cán bộ thú y, chị Thủy đã thực hiện các biện pháp cách ly, chăm sóc nên hơn 50 con còn lại vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, tình hình DTLCP trên địa bàn huyện Điện Biên đã cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, tại xã Thanh Chăn đã qua 21 ngày không có thêm lợn chết vì DTLCP; xã Thanh Xương khống chế, khoanh vùng kịp thời nên chỉ 1 hộ có lợn chết vì dịch. Các xã Thanh Luông và Thanh Hưng đã cơ bản khoanh vùng, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Ảnh hưởng tái đàn
Khoảng 2 năm gần đây, chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Điện Biên đang trên đà hồi phục, tổng đàn lợn đạt trên 62.000 con.
Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu tăng trở lại. Thời điểm đầu năm 2024, giá lợn hơi khoảng 55.000 đồng/kg, song từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng lên từ 70.000 – 75.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng đã và đang kích cầu tái đàn, tăng đàn lợn trong các hộ chăn nuôi. Nếu dịch bệnh lây lan trên diện rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực chăn nuôi lợn ở huyện Điện Biên.
Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ chi phối, ảnh hưởng đến quyết định tăng đàn, tái đàn của hộ chăn nuôi. Đối với vùng dịch, Trung tâm khuyến cáo người dân chưa vội tái đàn để tránh thiệt hại. Với các xã chưa có dịch, các hộ chăn nuôi cần theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để có quyết định về quy mô, mức độ tăng đàn, tái đàn; đồng thời phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Anh Nguyễn Thành Trung cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi lợn từ năm 2019. Chỉ trong 5 năm, trang trại của tôi đã trải qua 3 lần DTLCP, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau mỗi lần dịch, tôi thường nghỉ 1 năm sau đó tái đàn. Tuy nhiên, lần này tôi quyết định không tái đàn để chuyển sang nuôi gia cầm hoặc nếu có tái đàn thì quy mô sẽ giảm từ 30 – 40 con/lứa xuống 6 – 8 con/lứa”.
Xã Thanh Luông có khoảng 3.000 con lợn; có 1 trang trại quy mô trên 100 con, 5 cơ sở chăn nuôi từ 30 – 50 con, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chị Tòng Thị Đoạn, cán bộ thú y xã Thanh Luông cho biết: “Qua khảo sát, nắm bắt tình hình từ các hộ chăn nuôi thì đa phần đều có tâm lý lo sợ dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại. Do đó, phần lớn các hộ đều cho biết thời gian tới chưa có ý định tái đàn, tăng đàn lợn”.
Bài, ảnh: Phạm Trung
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ