Điện Biên: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại

Sau một thời gian được khống chế, hiện dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát mạnh trở lại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, số lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy gần bằng cả năm 2020. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi, các cơ quan chức năng, địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp, đặc biệt, người chăn nuôi tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến dịch bệnh.

tả heo châu phi

Gia đình anh Vàng Văn Vui, bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) làm thủ tục trước khi đưa lợn mắc bệnh dịch đi tiêu hủy.

Sau gần một năm không để phát sinh các ổ bệnh dịch mới, trung tuần tháng 8 dịch tả lợn châu Phi đã tái bùng phát trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo công bố dịch của UBND huyện, từ ngày 14/8 đến nay, trên địa bàn bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, dịch tả lợn châu Phi đã làm 9 con lợn của 4 hộ gia đình bị mắc bệnh. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các gia đình có lợn mắc bệnh tiến hành tiêu hủy theo quy định 9 con lợn với tổng trọng lượng 447kg; đồng thời, thực hiện các biện pháp phun phòng, không để lây lan, xuất hiện thêm ổ dịch mới.

Ông Lò Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Nhé cho biết: Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch, chúng tôi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai những biện pháp phòng, chống dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đến xã, bản và từng hộ dân. Tuy nhiên, do đây là ổ dịch mới (năm 2020 xã Nậm Kè không có dịch tả lợn châu Phi) chưa xác định được nguồn lây chính thức, vì vậy, trước mắt huyện tập trung tuyên truyền và hướng dẫn người dân vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, ngăn ngừa các ổ bệnh lây lan. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn…

Không chỉ tại huyện Mường Nhé, theo thống kê đến nay, có 7/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi (trừ 3 huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Tuần Giáo). Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính từ đầu năm 2021 đến ngày 25/8, dịch tả lợn châu Phi đã làm chết, tiêu hủy 2.002 con lợn, với trọng lượng 100.775kg (trong khi cả năm 2020 có 2.090 con lợn tiêu hủy, với trọng lượng 115.643kg). Dịch tả lợn châu Phi đã tái lan rộng tại 635 hộ trên 170 thôn, bản của 41 xã. Trong đó, nhiều nhất là huyện Điện Biên với 17 xã có dịch tái phát với 813 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy; huyện Mường Ảng (5 xã) với 160 con lợn; Tủa Chùa (4 xã) với 310 con lợn; Nậm Pồ (3 xã) với 80 con lợn; Mường Nhé (1 xã) với 9 con lợn; TX. Mường Lay (3 xã, phường) với 311 con lợn và TP. Điện Biên Phủ (8 xã, phường có dịch bệnh) với 319 con lợn tiêu hủy. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2/41 xã tái phát dịch tả lợn châu Phi công bố hết dịch và 19 xã đã qua 21 ngày không xuất hiện thêm dịch.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình dịch bệnh đang có xu hướng tăng mạnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh như hiện nay là do chưa có vắc xin phòng bệnh, vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường, lợn khỏi bệnh có khả năng bài thải vi rút trong thời gian dài. Trong khi trên địa bàn tỉnh, chủ yếu người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, do áp lực của nuôi tái đàn, tăng đàn cũng như giá thịt lợn, con giống lợn luôn ở mức cao; các cơ sở chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chọn mua lợn chưa qua kiểm dịch; cộng với sự lơ là, chủ quan của một bộ phận người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch. Từ đó, không chỉ khiến dịch bệnh tái phát mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện tái đàn và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường.

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh, các địa phương đang có dịch cần chủ động bố trí kinh phí, vật tư, nhân lực tổ chức triển khai các giải pháp nhằm khống chế, kiểm soát các ổ dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn nhất là khu vực tập trung chăn nuôi, khu vực nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đối với địa bàn chưa có dịch đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh, khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh (tái phát dịch) thực hiện lấy mẫu xét nghiệm như khi mới phát sinh bệnh.

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát giết mổ, ngăn chặn việc đưa vào giết mổ, buôn bán lợn mắc bệnh, lợn chết làm lây lan dịch bệnh; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan. Giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y, nhập lậu bất hợp pháp vào tỉnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh; thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, không rõ nguồn gốc.

Để phòng, chống dịch tốt, đạt hiệu quả lâu dài, các hộ chăn nuôi và người kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm từ lợn cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Cùng với đó, người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng trong việc thực hiện chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh môi trường nuôi, thường xuyên tiêu độc khử trùng ở các cơ sở chăn nuôi, thực hiện nghiêm quy định để đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh…

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn: Báo Điện Biên
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *