Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được tìm thấy trong 2 trang trại cách xa nhau ở Cộng hòa Dominica, cách bờ biển phía Nam nước Mỹ chừng hơn 2.000 km.
Ngày 28/7, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận đã tìm thấy virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) trong các mẫu lợn ở Cộng hòa Dominica, cách bờ biển Miami, phía Nam nước Mỹ hơn 2.000 km. Thông tin này làm dấy lên lo ngại về dịch bệnh sẽ xâm nhập vào Mỹ.
Theo Hội đồng Sản xuất thịt lợn Mỹ, các xét nghiệm dương tính về virus gây dịch ASF ở Cộng hòa Dominica này là phát hiện đầu tiên ở châu Mỹ trong khoảng 40 năm trở lại đây.
Cộng hòa Dominica không hề xa lạ với ASF. Trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến 1980, đất nước này đã liên tiếp bùng phát dịch, dù khi đó có thể là một chủng khác. Trong khoảng 2 năm này, ước chừng 192.000 con lợn đã bị tiêu hủy sau khi virus được chẩn đoán trên 374 địa điểm.
Ngoài Cộng hòa Dominica, một số nước ở châu Mỹ như Cuba, Brazil và Haiti cũng có báo cáo về dịch bệnh. Thông cáo cuối cùng được biết đến của ASF từ Châu Mỹ là vào năm 1982 tại Haiti.
Việc virus ASF xuất hiện trở lại châu Mỹ sau gần 40 năm, và chỉ cách Mỹ hơn 2.000 km khiến người dân Mỹ lo lắng. USDA trấn an dư luận, rằng quốc gia này hiện chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus ASF. Tuy nhiên, các vụ lây nhiễm bệnh ở Cộng hòa Dominica cho thấy nguy cơ lây lan của căn bệnh này sang các quốc gia khác là rất lớn.
Paul Sundberg, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin sức khỏe lợn tại Mỹ cho biết: “Đây thật sự là một mối lo ngại”.
Dù vô hại đối với người, virus ASF gây chết lợn hàng loạt. Nó bắt nguồn từ châu Phi trước khi lan sang châu Âu và châu Á và đã làm hàng trăm triệu con lợn phải tiêu hủy. Chính vì dịch bệnh này, thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi toàn cầu đã phải định hình lại.
Theo Sundberg, các mẫu dương tính virus ASF ở Cộng hòa Dominica đến từ hai trang trại cách biệt nhau về mặt địa lý. Do đó, quan trọng nhất là phải xác định được cách virus xâm nhập vào quốc gia này như thế nào.
"Có điều gì đó đã diễn ra ở Cộng hòa Dominica và chúng tôi cần biết dịch bệnh đến từ đâu để đảm bảo kiểm soát được, ngăn chặn dịch bệnh gây thiệt hại như đã từng xảy ra với các quốc gia khác", ông nói.
Để ngăn chặn sự lây truyền của dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia thường sử dụng các biện pháp. Một, là chặn việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn từ các nước đã phát hiện ra virus ASF. Hai, là khử khuẩn làm sạch chuồng trại. Và ba, là ngăn lợn nhà tiếp xúc với lợn hoang.
USDA khẳng định, Mỹ đã cấm nhập khẩu thịt lợn từ Cộng hòa Dominica. Cơ quan này đồng thời cam kết, giúp Cộng hòa Dominica chống dịch ASF và sẽ hỗ trợ chống dịch cho nước láng giềng Haiti, nơi có "nguy cơ cao" về bệnh này.
Mỹ đang tăng cường kiểm tra các chuyến bay từ Cộng hòa Dominica để đảm bảo du khách không mang theo các sản phẩm bị cấm, có thể chưa virus ASF vào trong nội địa. Liz Wagstrom, bác sĩ thú y của Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn USDA về các biện pháp bổ sung mà họ đang thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của dịch ASF vào trong nước”.
Trước đó, dịch ASF cũng đã được phát hiện ở Đức, Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Ở Trung Quốc, dịch ASF bùng phát vào năm 2018 và tàn phá đàn lợn của quốc gia này. Theo ước tính, một nửa số đầu lợn của Trung Quốc đã phải bị tiêu hủy để ngăn ngừa virus lây lan. Đây là thiệt hại lớn bậc nhất đối với nông nghiệp Trung Quốc trong nhiều năm, và giá thịt lợn toàn cầu tăng vọt.
Bảo Thắng (Theo Reuters)
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam