Mặc dù giá bán gia súc, gia cầm (GSGC) tăng, nhưng các loại dịch bệnh như viêm da nổi cục, dịch tả heo Châu Phi đã bùng phát khiến người chăn nuôi lo lắng.
Tập trung phòng dịch
Cuối tháng 5 vừa qua, gia đình bà Trần Thị Trọn, ở xã Bình Long (Bình Sơn), phải tiêu hủy 4 con heo do bị mắc dịch tả heo Châu Phi. Bà Trọn cho biết, khi mới mắc dịch, heo nổi những nốt đỏ, ho và bỏ ăn, nằm một chỗ, sau 5 ngày thì lăn ra chết, ước tính thiệt hại gần 20 triệu đồng. Hiện chưa có vắc xin phòng dịch tả heo Châu Phi, nên biện pháp phòng dịch lúc này chỉ là phun khử khuẩn, rắc vôi quanh chuồng trại để tránh nguy cơ lây nhiễm cho đàn heo còn lại.
Bà Trần Thị Trọn, ở xã Bình Long (Bình Sơn), phun khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi heo.
Lo lắng vì nguy cơ dịch bệnh sẽ tái bùng phát, hằng ngày, ông Nguyễn Văn Linh, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), thường xuyên khử trùng chuồng trại với hy vọng dịch bệnh không tấn công đàn gia súc của gia đình. “Tôi vừa mua 4 con heo giống để tái đàn, nhưng thời tiết diễn biến phức tạp, các loại dịch bệnh trên gia súc dễ phát sinh nên phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, ông Linh cho biết.
Trong khi đó, 2 trong 7 con bò của ông Võ Văn Thành, ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Ban đầu, bò xuất hiện các triệu chứng sốt cao, trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ chăm sóc của cán bộ thú y nên bò đã được chữa khỏi. Để phòng dịch bệnh tái phát, ông đã chủ động tiêm vắc xin phòng dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng cho cả đàn bò.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2022, với 426 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm, trên 26,67 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng. Đồng thời, các địa phương đã chủ động nguồn ngân sách và khuyến khích người dân mua trên 40 nghìn liều vắc xin phòng viêm da nổi cục để tiêm cho đàn trâu, bò.
Diễn biến phức tạp
Nguyên nhân dịch bệnh gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát là do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương còn cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Tại một số địa phương, người dân còn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức thả rông làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch. Không những thế, khi có vật nuôi ốm chết, người dân không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để tiêu hủy, mà mổ thịt mang đi tiêu thụ, còn chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 cơ sở chăn nuôi ở 2 thôn, thuộc 2 xã của TP.Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng, với số gia cầm tiêu hủy bắt buộc là 4.625 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở 222 thôn, thuộc 73 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố, với 1.086 con trâu, bò nhiễm bệnh; chết và tiêu hủy 249 con. Bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra ở 19 thôn, thuộc 15 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, với 459 con heo mắc bệnh chết và tiêu hủy.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tình hình dịch bệnh GSGC hiện vẫn diễn biến phức tạp. Nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh bằng vắc xin, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp… Để phòng, chống dịch bệnh GSGC hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không chủ quan, không giấu dịch. Nếu thấy vật nuôi có triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Chú trọng việc tiêm vắc xin để phòng ngừa dịch tả heo Châu Phi. Cán bộ thú y cơ sở và người dân cần theo dõi dịch bệnh, để phát hiện kịp thời, ngăn chặn ổ dịch, tránh lây lan.
Bài, ảnh: Nhật Vy
Nguồn: Báo Quảng Ngãi